Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Bảo vệ đại dương vì ích lợi của chính con người

Bảo vệ đại dương vì ích lợi của chính con người

Đại dương cung cấp cho con người hàng tỉ sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, nhưng nếu cần thêm bất cứ lí do nào để bảo vệ đại dương thì con người chỉ cần nghĩ đến những tiềm năng to lớn chưa từng được khai thác mà chúng đóng góp cho những sáng tạo khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu năng lượng tái tạo và y tế.


Đại dương đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế ven biển trên toàn thế giới bởi mỗi năm chúng “sản sinh” ra hàng loạt các loại hàng hóa và dịch vụ cần thiết với tổng giá trị ước tính 12,6 nghìn tỉ đô. Khả năng hấp thụ lượng lớn khí thải các-bon cũng khiến đại dương trở thành nhân tố không thể thiếu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tuy nhiên, những phát hiện mà các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu công nghiệp tìm thấy từ  đại dương mới chỉ là một phần rất nhỏ trong kho báu tiềm tàng và bí ẩn ấy.

Đại dương, nguồn cảm hứng vô tận cho khoa học mô phỏng…

 

Đại dương, kho "vàng xanh" kì thú và bí ẩn

“Các sinh vật đã làm mọi thứ mà con người muốn làm nhưng chúng không hề lạm dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch, cũng không gây ô nhiễm môi trường hay sẵn sàng “phó mặc tương lai” như con người” – Janine Benyus, nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực Phỏng sinh học (khoa học về mô phỏng sinh vật) nhận định.

Phỏng sinh học, hiểu một cách đơn giản là quy trình học hỏi và bắt chước những ý tưởng tuyệt vời nhất từ thế giới tự nhiên để giải quyết những thách thức của xã hội con người. Một số tin rằng, ngành khoa học này còn có thể giải quyết được cả các vấn đề về năng lượng toàn cầu, giảm chất thải và thúc đẩy tính bền vững.

Phỏng sinh bắt đầu có những tác động đáng kể trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như y tế, quốc phòng, xây dựng, đặc biệt chúng có tiềm năng rất lớn trong việc tìm kiếm nguồn năng lượng bền vững. Với một triệu loài sinh vật sống  dưới các dải san hô ngầm và khoảng 10 triệu loài sống dưới đáy biển sâu, các đại dương trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho con người thỏa sức sáng tạo dựa trên quy luật mô phỏng.

… tạo ra nguồn năng lượng sạch

Nhiều bằng chứng cho thấy công nghệ năng lượng được tạo ra xuất phát từ chính nguồn cảm hứng trước thiên nhiên, chẳng hạn như việc tạo ra pin mặt trời là dựa trên việc mô phỏng quá trình quang hợp của lá cây; sự chuyển động của tảo bẹ và cá ngừ giúp hình thành cách thiết kế thu năng lượng; hệ thống tuabin gió trên biển cũng được tối ưu hóa nhờ chiếc vây của cá voi lưng gù. Hãng BioPower Systems của Úc cũng tạo ra máy phát điện sinh học dựa trên việc bắt chước sự chuyển động của các loài thực vật phổ biến dưới đại dương.

Dù đang trong giai đoạn tiền thương mại nhưng có lẽ sẽ không còn lâu nữa trước khi con người có thể chứng kiến sự ra đời của các loại nhiên liệu được sản xuất từ tảo, bao gồm cả tảo biển. Nhiên liệu sinh học từ tảo hiện được xem là xu hướng khai thác đầy triển vọng cho việc sản xuất các loại nhiên liệu vận chuyển dưới dạng lỏng, chúng có ưu điểm vượt trội về năng suất so với những loại thực vật thông thường dùng để sản xuất nhiên liệu, quá trình sản xuất lại không hề cạnh tranh với diện tích đất nông nghiệp, thậm chí có thể sản xuất các loại dầu cao cấp thay thế cho nhiên liệu xăng dầu như dầu diesel hay nhiên liệu hàng không.

Với biện pháp bảo vệ thích hợp môi trường và xã hội, tảo cũng có thể được trồng ở các đại dương và các vùng có chất lượng nước thấp hơn, kể cả những bãi nước thải.

… và nghiên cứu, sản xuất thuốc

Thêm một luận cứ thuyết phục cho lí lẽ bảo vệ các đại dương là vai trò quan trọng của chúng trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc cũng như  các mô hình nghiên cứu y tế. Đơn cử như loài ốc nón (cone snails) – một trong những loài thuộc nhóm ốc ăn thịt lớn – có thể tự bảo vệ mình và giết con mồi bằng cách chích nọc độc. Ước tính có khoảng 700 loài ốc nón và mỗi loài lại có thể tạo ra 200 loại chất độc riêng biệt. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 6 loài và khoảng 100 chất độc được nghiên cứu cụ thể và một số hợp chất mới, quan trọng được tìm thấy.

Trong đó, có thể kể đến một loại hợp chất đặc biệt, được dùng để chế thành loại thuốc giảm đau mang tên Prialt, và hiện chúng đang được bày bán phổ biến. Prialt được dùng để điều trị các cơn đau mãn tính mà ngay cả thuốc gây tê (morphine) cũng không hiệu quả bằng. Morphine gần như là thuốc giảm đau mạnh nhất hiện nay nhưng nếu so với Prialt thì nó còn kém gấp 1000 lần và quan trọng hơn cả là Prialt không gây nghiện (như morphine) khi buộc phải dùng nhiều để đạt được hiệu quả mong muốn.

Việc sử dụng chất giảm đau cực mạnh từ loài ốc biển đặc biệt này mà không gây ra tác dụng phụ được xem là một bước ngoặt trong nghiên cứu y học, tựa như việc phát hiện ra thuốc penicillin vậy. Tuy nhiên, cuộc sống của ốc nón dưới các rạn san hô hiện đang bị đe dọa bởi sự nóng lên toàn cầu.

Các đại dương đã và đang làm giàu thêm cho cuộc sống của con người bằng nhiều cách khác nhau nhưng ngược lại, toàn bộ lợi ích kinh tế mà con người thu được từ các sản phẩm và dịch vụ của đại dương lại ít khi được tính đếm. Một tương lai bền vững sẽ phụ thuộc vào việc các đại dương có “khỏe mạnh” không, có tiếp tục cung cấp hàng hóa, dịch vụ và nguồn cảm hứng cho con người hay không, và điều đó cũng phụ thuộc vào chính suy nghĩ và hành động của nhân loại trước sự suy giảm ngày càng nhanh của thế giới đại dương bao la.

Ngày Đại dương Thế giới – 8/6 là sáng kiến được Chính phủ Canada đề xuất tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janeiro vào năm 1992. Đề xuất này sau đó tiếp tục được Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ (IOC) của UNESCO thừa nhận vào Năm quốc tế Đại dương 1998, tổ chức tại Lisbon (Bồ Đào Nha). Năm 2009, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc chính thức chọn ngày này là Ngày Đại dương Thế giới. Chủ đề Ngày đại dương thế giới 2011 là “Bảo vệ đại dương – trách nhiệm của thế hệ trẻ”. Tại Việt Nam, từ ngày 5 – 8/6 cũng diễn ra Tuần lễ biển – hải đảo Việt Nam với chủ đề “Trí tuệ Việt Nam, tuổi trẻ Việt Nam cho sự phát triển bền vững biển, đảo Tổ quốc”  – một trong những hoạt động được tổ chức nhằm chào mừng ngày lễ đặc biệt này.
 
Yêu động vật (Hồng Ngọc (Theo IUCN-Thiennhien Net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét