Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Bồ nông huyền thoại và sự thật

Bồ nông huyền thoại và sự thật

Bồ Nông, một giống chim biển lớn, từng rạch bụng rỏ máu cho con bú thay sữa. Hành động đó được loài người công nhận là một tượng trưng cho lòng hy sinh cao quí của tình mẫu tử. Do vậy qua nhiều thế kỷ, một số Hội Từ Thiện đã lấy hình ảnh chim Bồ Nông làm biểu tượng cho tôn chỉ và tinh thần bác ái của Hội mình.


Bồ nông là một trong những loại to lớn nhất của chim biển. Thông thường chúng cân nặng 7 kg, dài 50 cm và đôi cánh khi dang rộng, đo có tới 2,5 mét. Đặc biệt nhất của giống này là chiếc cổ dài nhưng gấp khúc, tiếp nối với chiếc đầu nhỏ, nhưng cặp mỏ lại thật dài. Đặc biệt hơn nữa là mỏ dưới của bồ nông là một màng da rất lớn, đàn hồi được và khi bung ra, trông như nửa quả bóng, dùng để lưới cá. Bồ nông sống theo đoàn, bay tập thể, tụ tập có khi hàng trăm con một lúc.


Trên thế giới có khoảng 7 loại, khác biệt nhau đôi chút về mầu lông, vóc dáng và mầu sắc cặp mỏ. Cách bắt mồi của chúng là bay từ cao, rồi khi nhìn thấy đàn cá phía dưới, chúng gấp cánh, chúc đầu và lao xuống thật nhanh. Thân hình chúng lúc đó thật gọn gàng, đến nỗi khi chạm nước, chỉ có chút tia nước bắn lên, làm đàn cá chưa kịp sững sờ, đã bị múc trọn trong cái mỏ có bao rộng khổng lồ. Thế là chú bồ nông trồi lại lên mặt nước, để thân mình trôi một cách nhẹ nhàng, trong khi há miệng cho nước chảy đi, chỉ còn lại mấy con cá mắc cạn, lúc đó chú mới ung dung nuốt chửng.

Các nhà khoa học đã khám giống bồ nông nâu này có một số bọc không khí nằm dưới làn da ở ngực, nên khi chúng phóng xuống biển không bị ảnh hưởng về sức cản của nước. Trong khi đó giống bồ nông trắng bắt cá theo một lối khác. Chúng tập trung mấy chục con bơi trên mặt nước, làm thành một hàng dài. Chúng bơi đồng đều về một phía, vừa đập cánh dữ dội, để xua cá đến vùng nước cạn. Tại đây, chúng vục đầu xuống, dùng chiếc mỏ như tấm lưới xúc cá lia lịa. Cá đã lọt vào là khó có thể thoát, nên bồ nông cứ từ từ nhả nước ra, để nuốt lấy cá.


Đến mùa tình tứ và sinh sản, bồ nông có đổi một chút về mầu sắc. Có con nơi cổ, xưa nay mầu vàng nhạt, nay tự nhiên đổi thành màu đỏ ửng. Có con, mảng lông trắng ở đầu viền chiếc mỏ cũng thay màu, trở thành màu vàng sậm. Lại có con ở đầu mỏ nẩy lên một chiếc mào màu đỏ chót. Sau tuần trăng mật, chúng chung vai nhau xây tổ. Tổ của chúng rất giản dị. Có cặp xây tổ ngay trên bãi cát. Chúng chỉ việc cào đất, rồi dựng dăm ba nhánh cây, thế là xong. Có cặp làm tổ trên một bụi cây thấp, hoặc một bụi gai ven biển. Lại có những đoàn bồ nông rủ nhau bay đến một hòn đảo hoang vắng và chênh vênh, để đẻ trứng ngay trên gềnh đá.

Một cặp đẻ từ một đến bốn trứng, một mầu trắng như phấn và to gấp đôi quả trứng gà. Khoảng từ 4 đến 6 tuần lễ, thì trứng nở ra những con bồ nông nhỏ trần trụi, không lông và mắt nhắm nghiền. Trong thời gian này bố mẹ chúng phải bóp bụng nhả ra một thứ nước trắng từ dạ dày, để chúng ăn. Nhưng chỉ khoảng độ ba ngày, khi mở mắt rồi, nhưng con chim nhỏ đã biết chính tự mình, rúc mỏ ngay vào cổ họng của bố mẹ để rút thức ăn. Khoảng 2 tuần lễ, những con nhỏ đã lìa khỏi tổ và tập trung một lứa với nhau thành một đoàn kêu la inh ỏi suốt ngày. Bố mẹ chúng còn tiếp tế thức ăn cho chúng trong một thời gian nữa mới thôi. Một điểm đáng chú ý, là lúc nhỏ thì chúng kêu la như vậy, nhưng khi bắt đầu lớn lên, giống bồ nông coi như im bặt, như từ trước chúng không bao giờ có tiếng.


Theo huyền thoại đã kể, bồ nông vì thương con nhỏ đói khát đã tự mổ da thịt mình để cho con uống máu. Nhưng dựa theo nền khoa học hiện tại, một số nhà sinh vật học đều xác nhận không phải đúng thế, mà có phần trái lại là khác. Theo sự quan sát tỉ mĩ, họ nhận thấy, giống bồ nông xây tổ và đẻ trứng trên cát, khi gặp nước lên, chúng đã hững hờ bỏ trứng đó cho hư hỏng và lại đi xây một tổ khác để đẻ trứng.

Còn việc chúng tự mổ thịt cho con ăn, có lẽ người xưa đã trông lầm. Khi nuôi con có vài giống bồ nông, tự nhiên trên mỏ nổi lên một chiếc mào đỏ chót. Trông từ xa, trước đây nhiều người tưởng lầm cho đó là mầu máu, nên hình dung bồ nông lấy máu mình cho con uống.

Dù sao, qua biết bao nhiêu thế kỷ, giống bồ nông vẫn còn đó, đó chẳng phải là công của bố mẹ hay sao? Nhiều người đã đặt câu hỏi, bồ nông có ích hay có hại? Một số ngư phủ đã trả lời là có hại, vì chúng đã cướp mất của họ một số nguồn lợi cá không nhỏ. Trong khi nhiều người khác cho rằng, chim bồ nông đã trang điểm cho trái đất một sắc thái sinh động, vì không gì đẹp bằng những buổi chiều ngắm đàn chim bồ nông bay từng đàn trên biển, chúng cùng đập cánh một nhịp điệu, cùng duỗi cánh, thả mình cho gió đưa đi y hệt nhau, theo mệnh lệnh của con chim đầu đàn. Thật là một tập thể có sự đoàn kết tuyệt diệu, một sự ăn ý hoàn toàn, như một đoàn binh đầy ý chí và đã qua một thời gian dài thao luyện. Có dịp các bạn thử ngắm đoàn chim bồ nông trên biển sẽ rõ sự thực.



Video:


Yêu động vật (Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét