Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Chim di cư ngủ hàng trăm giấc mỗi ngày

Chim di cư ngủ hàng trăm giấc mỗi ngày


Chim hét Swanson. 

Để bù đắp cho sự thiếu hụt giấc ngủ trong những chuyến bay trường kỳ, mỗi ngày những con chim di cư chợp mắt hàng trăm lần, mỗi lần chỉ kéo dài vài giây.

Khi mùa thu đến, những con chim hét Swanson lại bay 4.800 km từ nơi sinh sản ở bắc Canada và Alaska để tới nghỉ đông ở Trung và Nam Mỹ. Mùa xuân đến, đàn chim lại rong ruổi trở về. Các con chim bay hầu hết vào ban đêm và mỗi lần bay kéo dài vài tiếng, vì vậy chúng có rất ít thời gian để ngủ.

Để tìm hiểu những con chim vượt qua giai đoạn mệt nhọc này như thế nào, các nhà khoa học đã quan sát bầy chim hét trong cả năm và ghi lại thời điểm cũng như khoảng thời gian chúng ngủ. Họ tìm thấy trong mùa thu và xuân, khi bầy chim di cư, chúng hoán đổi mô hình ngủ thông thường của mình, tức là thức vào ban đêm và nghỉ ngơi vào ban ngày. Nhưng thay vì ngủ liền một mạch, chúng lại chia thành nhiều đợt chợp mắt trong ngày, trung bình mỗi lần chỉ kéo dài 9 giây.

Bầy chim hét cũng kết hợp 2 hình thức ngủ trong mỗi lần nhắm mắt. Một hình thức gọi là sự nhắm mắt đơn phương (UEC), tức là con chim nhắm một bên mắt và nghỉ một bên não, trong khi con mắt kia và bán cầu não còn lại vẫn mở và hoạt động, giúp chúng đề phòng các mối nguy.

Đôi khi bầy chim lại chuyển sang cách ngủ thứ hai gọi là sự gà gật. Hình thức này bao gồm nhắm hờ cả hai mắt nhưng vẫn đủ để xử lý hình ảnh xung quanh.

Bằng cách chuyển đổi luân phiên giữa 2 kiểu ngủ, bầy chim hét có thể được nghỉ ngơi chút ít trong khi vẫn giảm thiểu nguy cơ bị ăn thịt.

"Xét về chất lượng thì ngủ gà gật và ngủ đơn phương không hiệu quả bằng giấc ngủ thông thường, nhưng nó lại an toàn hơn", nhà nghiên cứu Thomas Fuchs tại Đại học Bowling Green ở Ohio nói.

Nhu cầu được ngủ gần như là phổ biến với tất cả mọi loài động vật, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ mục đích của nó. Một số nghiên cứu cho rằng chúng ta cần ngủ để tổ chức lại các ký ức thu được trong ngày và để cho cơ thể chúng ta được nghỉ ngơi, nhưng cả hai giả thuyết đều chưa được chứng minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét