Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Khám phá dãy Tây Tạng huyền bí

Khám phá dãy Tây Tạng huyền bí

Ở Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc), chúng tôi khá phấn khởi khi nhận được tấm giấy phép đặc biệt để vào Tây Tạng. Hiện nay, khách nước ngoài muốn vào khu tự trị Tây Tạng ngoài visa thông thường còn phải xin thêm giấy phép đặc biệt, nhưng khi hỏi vì sao phải xin giấy phép đặc biệt thì chỉ nhận được câu trả lời đơn giản: “Đây là khu vực đặc biệt”.


Chuyến bay sớm của Hãng hàng không Tứ Xuyên lao vào không trung trong ánh nắng rực rỡ báo hiệu những tín hiệu tốt lành cho chuyến hành trình dài ngày bằng đường bộ sắp tới. Hành khách đi trên chuyến bay phần lớn là người Trung Quốc, đến Tây Tạng để khám phá vùng đất huyền bí này. Trong năm 2005, chỉ có 55.000 khách du lịch đến Tây Tạng, trong đó đa số là người phương Tây. Người ta hy vọng trong năm nay, khi tuyến đường sắt cao nhất thế giới nối liền Bắc Kinh với Tây Tạng vừa được đưa vào hoạt động, lượng khách đến Tây Tạng sẽ tăng gấp đôi. “Tuyến đường sắt trên mây” này có thể chạy với tốc độ 120 km/giờ trên địa hình đồng bằng và 100 km/giờ trong những vùng băng giá với hệ thống đường ray chống đóng băng rất hiện đại.

Cảnh vật qua ô cửa sổ máy bay khá ngoạn mục. Trời và đất gần như không có khoảng cách, chỉ có những đám mây, những đỉnh núi tuyết vùng vẫy với vũ điệu giao hòa giữa trời và đất. Rặng Himalaya sườn phía đông gần như nằm sát cánh chiếc máy bay. Một cảnh quan thiên nhiên chưa từng thấy bao giờ, những rặng núi cường tráng phủ đầy tuyết trắng vươn lên từ giữa các tầng mây, trời như đang nằm dưới chân những ngọn tuyết sơn và đất như đang thỏa mãn sự ôm ấp của bầu trời.


Cô tiếp viên hàng không người Tạng trẻ đẹp quay cuồng trong điệu luân vũ trên chín tầng mây. Tôi không hiểu tiếng Tây Tạng qua lời bài hát của cô gái, nhưng cái rực rỡ, sôi động cuồng nhiệt của cô gái Tạng đã nói lên tất cả, mời gọi nhưng không sỗ sàng, trong trắng nhưng không xa cách, khao khát nhưng không bao giờ thỏa mãn. Người ta gọi Tây Tạng là “vùng đất của chư thiên”, nhưng tôi lại có cảm giác sắp bước vào con đường của những vũ điệu trong mây trong hàng nghìn dặm đường trước mắt.

Sự trần trụi ở Potala


Hầu hết những tu viện trên con đường thiên lý đều nằm trên đỉnh núi như những pháo đài vững chắc của cõi tâm linh. Thế nhưng ở tận những nơi hẻo lánh nhất trong rặng Himalaya, chúng tôi đã thấy bụi trần lan nhanh như những trận tuyết lở…

Potala hiện ra trước mắt như một rạp hát hơn là trái tim của Lhasa, những dãy phố xá hiện đại vây chặt lấy cung điện uy nghi. Lính canh đứng dày đặc khắp cung điện, mọi người vào phải mua vé (khoảng 200.000 đồng).


Lấy lý do bảo vệ cung điện nên tất cả hộp quẹt đều phải bị tịch thu, nhưng bên trong cung điện vô số khách hành hương tha hồ đi mọi ngóc ngách châm những bình mỡ trâu yak vào hàng vạn ngọn nến để cúng dường. Nhiều tu sĩ đang lâm râm cầu nguyện, nhưng khi chúng tôi đưa máy chụp ảnh lên, một số đấng tu hành cũng mở mắt ra để… đòi thu tiền chụp. Nhiều vị đang thiền định, tu tập sáu âm thần chú vừa lấy điện thoại di động ra nghe.

Hầu hết tu viện, đền thờ như Drepung, Jokhang, Tashihunpo, Rongbuk… mà chúng tôi đi qua, nơi đâu cũng thấy người ta thu tiền tham quan và thu tiền chụp ảnh một cách tự nhiên, nhiều khi du khách không có tiền lẻ, các tu sĩ cũng nài nỉ… đưa tiền chẵn để thối lại.

Theo Weixi, cô phiên dịch, ngày xưa hầu như không có chuyện này, dần dà đời sống khó khăn, các tu viện phải tự lo không chỉ đời sống tâm linh mà còn cuộc sống hằng ngày nên đời sống cõi trần len vào cõi tâm linh rất nhanh chóng. Hôm đến Tashihunpo, nhìn những tu sĩ vẫn mang những đôi giày vải, ăn những chiếc bánh nướng bằng lúa mạch to lớn kỳ dị, tôi đã hiểu phần nào lời của Weixi.

Con đường thiền định để đạt đẳng cấp Lạt Ma của hàng chục ngàn tu sĩ khắp Tây Tạng đang bị vây chặt bởi sự trần trụi của hạ giới.

Đức hạnh chốn bụi trần


Khi trên đường từ Shegar vượt qua hàng trăm cây số trong vùng hoang mạc đầy sỏi đá ở độ cao 5.000m để đổ về vùng “đồng bằng cao” Nyanlam gần biên giới Nepal. Đi cả nửa ngày trong gió thét mà không hề thấy một bóng người, nếu lỡ không may gặp tai nạn chắc hẳn chúng tôi sẽ không tồn tại nổi vì đói rét và cô độc.

Vậy mà chúng tôi bắt gặp một cô gái tuổi dậy thì đang chăn đàn trâu yak một mình giữa hoang mạc mênh mông. Cô đói và khát, sẵn sàng ngửa tay xin một mẩu bánh nhỏ, nhưng chạm vào cô bé là điều không thể. Người lái xe cho biết cô bé có thể tồn tại giữa nơi hoang vu này mà không hề sợ bị ai xâm hại.

Bất cứ trên những nẻo đường nào đến Himalaya, chúng tôi đều gặp những người Tây Tạng tay cầm Mani tschor khor (vòng quay chuyển pháp luân) và quay liên tục, miệng lâm râm sáu âm thần chú. Theo triết lý Phật tử phái Lạt Ma giáo, khi Mani tschor khor khởi động là đang lập lại hành động tâm linh của Phật pháp cách đây 2.500 năm để đi đến giác ngộ.


Người Tây Tạng tin rằng đó là lúc hội tụ những năng lực tốt đẹp nhất của con người. Đức hạnh chốn bụi trần đã được người Tây Tạng xem là tính cách hàng đầu kể từ hàng ngàn năm trước, khi hoàng đế Tùng Tán Can Bố của đế quốc Tây Tạng đưa công chúa Văn Thành của nhà Đường Thái Tông của Trung Quốc về kinh đô Potala bắt đầu cho việc du nhập Phật pháp vào Tây Tạng… Họ có thể vừa đi vừa cung tế theo nghi thức “tam bộ nhất bái” hàng ngàn cây số – một nghi thức tôn giáo khổ hạnh nhất trên thế giới để hành hương về thánh địa. Có người đi cả một đời vẫn chưa thể thấy miền đất thánh. Người Tây Tạng có thể tồn tại như thế nào giữa không gian như miền Bắc cực chỉ với một con trâu.

Yêu động vật (Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét