Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Thằn lằn phi hành trên nước, bay trên cây và nuôi như gà

Thằn lằn phi hành trên nước, bay trên cây và nuôi như gà

Giống Basilisk nổi danh là hung thần, nhưng lại có thể chạy được trên mặt


Miền quê Việt Nam có rất nhiều hồ ao và trẻ con có một thú vui là dùng những mảnh sành, ngói, gạch hoặc đá ném thia lia trên mặt nước. Ai ném được xa, viên ngói nhẩy được nhiều lần, là thắng cuộc. Vì trò chơi này, nhiều em đã mơ tưởng, sau này mình cũng sẽ có tài chạy bay trên mặt nước. Nhưng rồi, chẳng một ai thực hiện nổi. Chính Kim Dung, nhà văn nổi tiếng về viết chuyện kiếm hiệp, cũng đã từng tưởng tượng cho một nhân vật trong chuyện của mình phi hành trên mặt hồ. Nhưng... trên thực tế thì loài người không làm nổi.


Ấy vậy mà có một giống thằn lằn lại có thể thực hiện được điều trên. Theo câu chuyện huyền thoại từ hồi xa xưa, có một giống thằn lằn, trông như một con ác quỉ. Nó ẩn hiện vô lường, thoắt thấy đó rồi chớp mắt lại biến mất. Nhưng nếu có ai vô tình nhìn thấy, thì người đó sẽ hộc máu và chết tức tưởi. Nó nổi danh là con vật có sức giết người ghê gớm nhất. Người ta truyền kể cho nhau nghe câu chuyện, loài này đẻ trứng to bằng quả trứng gà và sẽ do nhiều con cóc ấp. Nó có thân mình như rắn và đầu như đầu rồng có mào nổi gồ cao. Nó thở ra một thứ khí độc vô cùng và giết chết mọi loài thú muốn tiến đến gần. Tuy nhiên, sau này người ta biết những lời đồn trên, chỉ là tin đồn nhảm. Sự thực, con vật ghê rợn trên chỉ là con Basilisk, một giống kỳ đà có mào.

Một con thằn lằn Iguana, một giống “Gà Cây”, đang được vuốt ve trong khu trại Iguana sáng lập bởi nhà khoa học Dagmar Werner, nay không còn hoạt động nữa.


Giống này chạy rất nhanh. Chúng có thể đạt tới tốc độ từ 15 đến 16 dặm một giờ, xét về tỷ lệ, nếu nó to bằng người thì tốc độ đó sẽ là 800 dặm giờ. Vì sự nhanh nhẹn trên, người ta tưởng tượng như thấy chúng xuất hiện, rồi lại biến mất. Đặc biệt chúng còn có thể chạy được trên mặt nước, xoẹt qua từ bờ này sang bờ kia một chiếc ao như bay. Sở dĩ giống Basilisk nổi được, vì tuy thân hình cộng cả đuôi, dài khoảng 3 bộ, nhưng rất nhẹ. Hơn nữa giữa các ngón chân lại có một lớp màng mỏng, nên khi chạy trên nước, chúng xòe ra, nên lại càng nổi. Khi chạy, chúng nâng cao thân mình, co hai cẳng trước lên, rồi lấy đuôi làm thăng bằng, mà chạy chỉ bằng hai chân sau. Giống này có thể chạy xa đến một phần tư dặm trên mặt nước. Nếu khi hết sức thì chúng tự cho chìm xuống, nhưng không sợ chết đuối, vì chúng bơi rất giỏi.

Thằn lằn bay từ cây này sang cây nọ



Thằn lằn, kỳ nhông có tất cả 3.000 loại. Xưa kia có giống thuộc loài khủng long Pterosaurs có thể bay được, nhưng sau khi giống này bị tiêu diệt, thì không còn con nào bay được nữa, mà chỉ còn có loại lướt gió. Đó là giống Draco, mà thường có tên là “Rồng bay”. Người ta từng thấy chúng bay từ cây này sang cây nọ rất xa, xa có tới 50 bộ, tức bằng khoảng cách giữa hai cột điện. Tuy nhiên không phải chúng bay, mà chúng chỉ lướt gió. Cánh của chúng chỉ là một lớp màng mỏng, chăng giữa từ 5 đến 6 cặp xương dính vào bên hông. Muốn bay, chúng phải leo lên đỉnh một cây cao, phóng mình ra không khí, rồi giương đôi cánh cho bọc gió, bay tít ra xa. Giống này sinh sống tại miền Trung châu Mỹ và miền Nam châu Á.

Hiền như bụt nhưng trông dữ như hung thần
Theo các nhà khoa học, xưa kia Úc châu dính liền với Phi châu, Nam Mỹ châu và cả Ấn Độ. Nhưng từ triệu năm trước đã tách lìa và đứng riêng biệt thành một châu. Do vậy mà ngày nay lục địa đó còn giữ được nhiều giống thú thật đặc biệt, trong đó có con “Thằn lằn vành khăn”.


Giống thằn lằn này dài khoảng 3 bộ, bình thường trông thật hiền lành, lặng lẽ bắt sâu bọ để sinh sống. Nhưng bất chợt một con thú nào tấn công, tức khắc nó chồm dựng hai chân trước lên, đấu ngước cao, đôi mắt sắng quắc giận dữ nhìn thẳng vào kẻ địch. Rồi lớp màng da quấn chung quanh cổ, bình thường chúng cụp xuống, nay đều giương lên tất cả, trông con vật to lớn hơn gấp bội. Lớp khăn này thật nhiều mầu sắc pha trộn giữa vàng, tím và xanh thép, nên thành một mầu kỳ dị trông dữ dằn. Phần lớn kẻ địch thấy thế đều khiếp sợ, tự động rút lui. Chờ cho đi xa, con thằn lằn vành khăn mới sụp màng cổ xuống và sinh hoạt bình thường. Còn nếu kẻ thù quá hung dữ và tiếp tục tấn công, thì con thằn lằn vành khăn cố dọa cho đến phút cuối cùng, rồi đành chịu chết, vì nó không có một phương tiện nào để chống trả địch.

Quái thú nọc độc Gila

Người ta có nói nhiều đến con quái thú thằn lằn Gila, vì tính chất hung dữ vì quái dị của chúng. Nhưng một điều đặc biệt nhất là chúng là loài thằn lằn độc nhất có nọc độc. Giống này không lớn lắm, chỉ dài nhất có 2 bộ, trông cục mịch, xấu xí, đuôi ngắn và trông ngu đần. Da của chúng không bao bọc bởi vẩy như các loại thằn lằn khác mà trơn tru, mầu đỏ cam có điểm những vạch đen cùng khắp. Có người từng chứng kiến một cuộc chiến sống còn của con Gila với một con rắn lớn. Con rắn tung mình quấn tròn lấy con Gila, định dùng sức mạnh để bóp nghẹt. Con Gila kháng cự bằng cách há đôi hàm thật mạnh cắn chặt một khoanh thân mình rắn. Nọc độc của Gila tỏa theo nước miếng trôi vào vết thương của con rắn. Cuối cùng con rắn bị ngấm độc, thở khó khăn, đành thả lỏng thân mình cho con Gila thoát thân và chính nó sau một thời gian ngắn nữa bị nọc độc ngấm vào tim, đành ruỗi thẳng người mà chết.

Giống Gila này thích sống đơn độc, bình thường rất chậm chạp. Nó thường nằm hàng giờ phơi nắng không hề động đậy. Nó không hay tấn công người, trừ phi bị khích thích bởi một sự việc gì. Con cái đẻ trứng mỗi lần từ 5 đến 13 quả. Như phần lớn loài thằn lằn, chúng không có tình mẫu tử, nên chỉ đẻ trứng rồi vùi xuống cát, mặc cho áng nắng mặt trời ấp ủ cho đến lúc nở con. Loại Gila này chỉ thấy xuất hiện về mạn sa mạc phía Tây Nam Hoa Kỳ và phần lớn là ở Arizona.

Thằn lằn sót lại cuối cùng của giống khủng long
Về loài bò sát, các nhà bác học đã tìm tòi trong các di tích hóa thạch có đến 16 loại khác nhau. Nhưng ngày này chỉ còn có 5 loại là còn sống sót, đó là loại thằn lằn có 3.000 giống. loại rắn có 2.700 giống, loại rùa có 200 giống, loại cá sấu có 23 giống và loại Tuatara chỉ còn một giống độc nhất, sống chỉ trên một vài hòn đảo nhỏ ở Tân Tây Lan (New Zealand).

Loại này, các khoa học gia đặt tên là Tuatara với tên khoa học là Sphenodon, tuy hình thù giống loại thằn lằn, nhưng đặc tính lại giống những con khủng long đã tuyệt chủng. Vậy nó chính là loại khủng long còn sót lại. Người ta đã tìm thấy hình thù và xương cốt hóa thạch của chúng có từng 200 triệu năm về trước, tức trước cả thời đại khủng long chỉ có từ 75 triệu năm. Các nhà bác học còn chưa hiểu tại sao loại Tuatara còn sống sót được đến ngày nay, trong khi các giống khủng long khác đều chết hết.

Giống Tuatara sống rất chậm chạp. Cái tuổi dậy thì và động đực của chúng phải chờ ít nhất là 20 năm. Điều này thật đặc biệt đối với các loài thú vật ngày nay. Người ta đã thấy con đực sống đến trên 100 năm. Con cái mang trứng đến gần một năm mới đẻ và phải ấp đến 15 tháng trứng mới nở.

Các nhà bác học rất quí loại Tuatara, vì hy vọng tìm tòi nơi con vật có từ 200 triệu năm trước này, nguyên nhân gì mà nó còn sống sót đến ngày nay, hầu áp dụng cho con người, để nhân loại trường tồn mãi mãi, dù sóng gió thời gian gay gắt, hay dù thiên nhiên biến đổi kinh hoàng.

Loại thằn lằn Iguana được coi là giống gà cây



Nếu chưa quen, bạn trông thấy chúng sẽ khiếp sợ vì nó xanh lè mầu lá cây, da như có vẩy bao phủ kín, suốt dọc lưng gai lại mọc dài thẳng suốt và dưới cổ những làn da gấp nếp thành từng chùm rơi thỏng như cổ gà tây. Trông đã ghê sợ như vậy, thì đố bạn dám ăn. Thế nhưng bạn có biết, dân thuộc các nước ở miền Trung và Nam Mỹ châu rất thích ăn thịt giống này. Họ nói, chúng có một hương vị đặc biệt, gần giống như gà, mà lại còn thơm ngon hơn. Họ đã săn bắn và ăn thịt giống này có cả hơn ngàn năm rồi. Họ đã gọi giống thằn lằn này là “Gà Cây”.

Không như các giống thằn lằn khác, giống Iguana này chỉ ăn lá cây. Tuy nhiên ngày nay vì bị săn bắt nhiều quá, nên giống này đã dần dần khan hiếm. Một lý do nữa là các thành phố và các nông trại càng phát triển, người ta phải đốn cây, phá rừng và như vậy cắt luôn cả thứ cây đã nuôi sống Iguana. Như tại riêng nước Panama, gần một nửa rừng già nơi sinh sống của Iguana đã bị phát quang chỉ trong vòng có 40 năm trời.

Người ta đã thấy, nếu không có một giải pháp mới nữa, giống Iguana, một thứ lương thực quí của miền Nam Mỹ sẽ biến mất hẳn trên trái địa cầu. Cũng do đó mà giới khoa học đã nghĩ đến vấn đề này. Một nhà vạn vật học tên là Dagmar Werner đã cố nghiên cứu nuôi giống này để phổ biến cho dân chúng miền Nam Mỹ. Bà đã thiết lập một trang trại bình dân, rẻ tiền, gọi là campesinos, để nuôi Iguana, lớn một chút lại thả ra, rồi khi chúng lớn ăn thịt được thì bắt lại.

Giống này rất lớn, khi trưởng thành nó dài tới 7 bộ, bao gồm cả chiếc đuôi dài và mỏng, cùng cân nặng tới 30 pound. Người ta thường tìm thấy giống này ở các khu rừng già từ miền Nam Mexico cho tới Ba Tây và Paraguay. Các nhà khoa học nghiên cứu giống Iguana sống ở vùng biển tại dãy đảo Galapagos từ năm 1983 và thấy giống này đẻ trứng và vùi xuống cát dọc theo những hồ, ao, hoặc dòng suối. Họ còn thấy, khi mới nở, giống Iguana đã sống bên nhau trong nhiều tháng trời.

Được sự hiểu biết trên, bà Werner quyết tâm tự nuôi lấy Iguana. Đầu tiên bà phải tìm trứng của chúng. Nhận thấy Iguana đẻ trứng trong đường hầm rất khó thu nhặt, nên bà tự tạo cho chúng những đường hầm riêng. Quả nhiên Iguana đã dùng đến các đường hầm này. Bà đã thu nhặt được trứng một cách dễ dàng. Bà tự ấp lấy trứng trong những thùng bằng plastic và tạo những điều kiện cho Iguana sinh sống, ẩn nấp và kiếm ăn. Ở ngoài thiên nhiên, Iguana con thường bị các giống thú như racoon, rắn và vài loại thú khác bắt ăn thịt, nên hao hụt rất nhiều. Còn đây nuôi trong trang trại, nên số lượng giữ được thật hoàn toàn. Sự thành công đầu của bà là đã nuôi được một lúc 8 ngàn con Iguana ở Panama và hàng ngàn con ở Costa Rica.

Bà Werner cũng đã hướng dẫn dân chúng nuôi Iguana ngay tại sau vườn, bằng một phương pháp không tốn kém nhất. Về đồ ăn để nuôi chúng, giá tiền không quá 3 Mỹ kim cho một con. Do vậy khi Iguana lớn, sẽ là số lương thực quí cho gia đình, hoặc nếu thừa thải thì sẽ đem bán ra thị trường cũng sẽ kiếm được mối lợi lớn. Cũng do vậy mà dân chúng nhiều nơi tại Nam Mỹ đã gọi bà Dagmar Werner bằng Iguana Mama, tức là “Bà Mẹ Iguana”.

Yêu động vật (Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét