Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Tại sao quả tim con trăn lớn gấp đôi kích thước của nó

Tại sao quả tim con trăn lớn gấp đôi kích thước của nó

Chất béo trong máu ở các cơ quan của con trăn khổng lồ phình to một cách bí ẩn, cuộc nghiên cứu cho thấy.

Ảnh một con trăn có lớp da hình mắt lưới đang nuốt chú chuột.

Một nghiên cứu cho thấy, chất béo có tác dụng làm cho trái tim khỏe mạnh – ít nhất là đối với loài trăn.

Ở mức độ cao của a-xit béo, hoặc lipit, trong máu của các loài bò sát khiến tim của chúng và các cơ quan khác gần như tăng gấp đôi sau khi bẻ gãy các liên kết bền, thí nghiệm cho thấy.

Ở những bộ phận của con trăn, nếu không thường xuyên diễn ra hoạt động nhai thức ăn, nó thường được phình to ra để tăng tốc độ tiêu hóa sau một bữa ăn lớn, theo như các nghiên cứu của đồng tác giả Leslie Leinwand, một nhà sinh vật học phân tử Đại học Colorado tại Boulder.

Cho tới bây giờ nó vẫn là một bí ẩn khoa học, làm sao để cơ thể con trăn thực hiện được hoạt động đến kì lạ này, Leinwnad nói.

“Khi chúng tôi lấy máu từ động vật, chúng tôi đã nhận ra rằng: bất kể thứ gì cũng là nguyên do khiến cơ quan đó phát triển, nơi mà máu lưu thông, bởi vì tất cả các cơ quan, trừ não bộ, có thức ăn chuyển tới đều tăng kích thước.”

Và “khi chúng ra nhìn vào máu, nó chứa đầy chất béo màu trắng đục- nhìn giống như sữa.”

Máu trăn là một tiến bộ lớn của khoa học
Nghiên cứu kĩ lưỡng về sự phát triển các cơ quan của trăn, Leinwand cùng nhóm nghiên cứu của mình lập ra một thuộc địa cho trăn Burmese trong phòng thí nghiệm - “nó không phải là một loài động vật thí nghiệm điển hỉnh,” Leinwand nói.

Khi Leinwand nhận được chuyến hàng gồm 20 con rắn nhỏ trong chiếc áo gối vào năm 2005, cô nghĩ có lẽ mình đã bị mất tâm trí vì chúng. Tuy vậy, nhóm nghiên cứu đã bị kẹt ở các cuộc thử nghiệm trong vòng 5 năm.

Nhà nghiên cứu hàng đầu Cecilia A.Riquelme sớm khám phá ra rằng khi làm tăng lượng huyết tương từ máu trăn vào các ngăn tim của chuột, trong quá trình cấy sẽ làm các ngăn tim của chuột lớn hơn.

“Đó là một tiến bộ lớn,” Leinwand nói.

Trong một cơ thể động vật sống, sự phát triển phù hợp khiến tim khỏe mạnh một cách toàn diện hơn.

Bước tiếp theo là tìm hiểu đâu là nguyên do khiến các cơ quan phình to lên. Nhóm nghiên cứu dần loại bỏ các nguyên nhân có thể gây ra, ví dụ như protein tự nhiên, chỉ để lại các a-xit béo.
Các nhà sinh học đã xác định 3 loại lipit đặc trưng trong máu trăn gia tăng sau một bữa ăn. Điều đó đủ để chắc chắn rằng, khi các nhà khoa học tiêm thuốc vào cơ thể một con chuột sống với 3 loại a-xit béo, nó làm tim của chuột đã lớn hơn.

Trái tim của loài trăn
Đa số “điều đáng quan tâm về loài trăn là sự lạ thường ở mức độ cao của các a-xit béo trong máu, và nó không hề bị bệnh,” Leinwand nói, trong nghiên cứu của cô đăng trên tạp chí Science.

Trái ngược với điều này, những người có nhiều chất béo trong máu có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường tim mạch nghiêm trọng .

“Tại sao loài trăn tự tránh được một số chứng bệnh về tim?” cô ấy nói. Điều đó là có thể, Leinwand gợi ý, ở một sự đặc biệt nào đó về mức độ ảnh hưởng của sự kết hợp 3 loại a-xit béo làm cản trở chứng bệnh về tim.

Thêm nữa, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để biết chính xác những chất béo nào đang gia tăng trong các cơ quan của con trăn, Leinwand nói. “Tính tới thời điểm hiện nay, nó đã không còn phù hợp với những mẫu mà chúng ta biết.”

Nói chung, đó là quá sớm để cho rằng sự nghiên cứu ấy sẽ có thể củng cố hay cải tiến trong việc điều trị làm khỏe trái tim của con người.

Nhưng nó có thể đem tới một tin đáng mừng: Nhóm nghiên cứu của cô đang dùng 3 loại a-xit béo với những con chuột mắc các chứng bệnh về tim để xem xét, nếu các chất béo có thể ngăn chặn, làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược tình trạng căn bệnh của chúng.

Thái Lan: Trăn, cá sấu tung tăng trong nước lũ

Thái Lan: Trăn, cá sấu tung tăng trong nước lũ

Một số nguồn tin cho biết hơn 100 con cá sấu được cho là đã bị xổng chuồng tại các trang trại ở phía bắc Thái Lan. Tuy nhiên, không ai biết chính xác là bao nhiêu.

Người dân đứng quanh 2 con cá sấu bị bắt và bị giết chết tại quận Bangbuatong của tỉnh Nonthaburi, phía bắc Bangkok.

Các quan chức và người dân tại quận Bangbuatong đã bắt được 8 con cá sấu đi hoang hồi cuối tuần qua trên một con đường bị ngập.
2 con cá sấu đã bị bắn chết và những con còn lại được nhốt cẩn thận để đưa tới các trang trại nuôi.

Hiện chưa có thông báo về việc cá sấu xổng chuồng gây hại cho con người.



Một số nguồn tin cho biết hơn 100 con cá sấu được cho là đã bị xổng chuồng tại các trang trại ở phía bắc Thái Lan. Tuy nhiên, không ai biết chính xác là bao nhiêu.

Chính phủ Thái Lan đã lưu ý người dân cảnh giác về nguy cơ cá sấu xổng chuồng kể từ khi nước lũ dâng cao hồi đầu tháng này.

Giới chức cũng tuyên bố thưởng 1.000 bath (khoảng 32USD) cho mỗi con cá sấu bị bắt sống.

Thái Lan là một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu các sản phẩm cá sấu, với khoảng 200.000 con được nuôi tại 30 trang trại trên khắp cả nước.

Một con trăn dường như cũng bị xổng chuồng và bị bắt tại quận Don Muang, phía bắc Bangkok

Phải làm gì khi bị rắn độc cắn?

Phải làm gì khi bị rắn độc cắn?

Tại một số vùng nông thôn và miền núi, tai nạn rắn độc cắn người thường xảy ra đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe kể cả tính mạng của người dân. Khi bị rắn độc cắn, cần phải xử trí như thế nào để phòng tránh những nguy cơ đáng tiếc xảy ra?
  

Khi bị rắn độc cắn, các biện pháp cần thực hiện là loại bỏ nọc độc và hạn chế sự lan tràn của nọc độc. Công việc này phải tiến hành càng nhanh càng tốt, thực hiện trong vài phút đầu tiên ngay sau khi bị cắn. Một vài điều cần chú ý khi xử trí là:
 
- Khẩn cấp đặt nạn nhân ở tư thế nằm, hướng dẫn nạn nhân nằm yên để làm hạn chế sự lan truyền của nọc độc. Đối với trẻ em, không cho trẻ tự đi hoặc chạy vì có thể làm cho nọc độc lan ra toàn thân.
 
- Cần rửa sạch vết thương bị rắn cắn với nhiều nước, nếu có nước muối hoặc thuốc sát khuẩn có thể dùng để rửa vết thương nhằm loại bỏ nọc độc.
 
- Chườm nước đá lạnh ở vết thương bị rắn cắn. Cởi bỏ quần áo, đồ trang sức ở vùng có vết rắn cắn vì nó có thể gây nên sự chèn ép sau này khi vùng có vết cắn bị sưng phù lên.
 
- Nếu bị vết rắn cắn ở chân hoặc cánh tay, cần băng ép ở phía trên vết thương bằng loại băng thun, băng được cuộn vòng cho tới sát nách hoặc háng. Chú ý không được thắt dây ga rô như phương pháp cũ trước đây. Sau đó nên bất động tay hoặc chân bằng nẹp gỗ như trong các trường hợp bất động gãy xương để làm hạn chế sự lan truyền của nọc độc.
 
- Phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Cần giữ cho nạn nhân nằm yên trong suốt quá trình vận chuyển, chú ý để phần vị trí vết thương do rắn cắn thấp hơn so với vị trí của tim để hạn chế sự lan tỏa nhanh của nọc độc. Tốt nhất là vận chuyển bằng cáng khiên.
 
- Nếu con rắn được phát hiện và bị giết chết sau khi cắn, cần mang theo con rắn cùng nạn nhân đến bệnh viện để xác định danh tính loại rắn độc và bác sĩ sử dụng loại huyết thanh trung hòa nọc độc phù hợp.
 
Cộng đồng người dân cần có sự cảnh báo về  các trường hợp bị rắn cắn để kịp thời cứu sống được nạn nhân. Cần xử trí ban đầu và  chuyển ngay đến bệnh viện tất cả các trường hợp bị rắn độc cắn, trường hợp bị rắn cắn nhưng nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân không biết rõ được là loại rắn độc hay rắn lành cắn vì sau khi cắn, rắn không bị giết chết hoặc bỏ chạy mất. Ngoài ra cũng cần phải đến ngay bệnh viện tất cả các trường hợp rắn cắn bị nhiễm trùng, phù nề, có hoại tử tại chỗ.
 
Tai nạn bị rắn độc cắn trong thời gian qua thường hay gặp phải ở một số địa phương với nhiều nguy cơ làm ảnh hưởng đến tính mạng của nạn nhân. Vì vậy người dân cần biết cách xử  trí phù hợp để ứng cứu kịp thời khi có tai nạn này xảy ra tại địa phương.     
 

Tình bạn chú chó mù gây xúc động cộng đồng mạng

Tình bạn chú chó mù gây xúc động cộng đồng mạng

Câu chuyện cảm động giữa Lily, nàng chó 6 tuổi bị mù và người bạn đường Madison luôn theo sát bên để chăm sóc cho bạn mình gây xúc động cho nhiều người trên Facebook.

Lily thuộc giống chó Dogana Đan Mạch 6 tuổi, bị mất thị lực do một căn bệnh hiếm gặp từ khi mới 18 tháng tuổi. Cuộc sống của chú chó đã hoàn toàn tuyệt vọng khi các bác sĩ buộc phải loại bỏ đôi mắt để cứu sống Lily. Và cho đến khi gặp Madison, một chú chó cũng thuộc giống Dogana 7 tuổi, Lily đã không còn cô độc. Madison đã trở thành người dẫn đường cho Lily, cả hai đã là đôi bạn không hề tách rời trong suốt 5 năm qua.


Lily (bên trái) dạo chơi cùng người bạn Madison - Ảnh: Themetapicture

Chủ của hai chú chó này đã không thể tiếp tục nuôi được cả hai nên hiện Lily và Madison đang cùng "tị nạn" ở một trung tâm tại Anh, chuyên giúp đỡ cho các chú chó "vô gia cư" tìm kiếm những chủ nhân mới.

Khi đi dạo bên ngoài, Lily luôn theo sát Madison để biết rõ hướng phải đi còn Madison rất tận tình hướng dẫn Lily theo cách của mình, Louise Campbell, giám đốc trung tâm cho biết.

 


Madison luôn kề bên Lily trong suốt 5 năm qua - Ảnh: Rossparry.co.uk

Việc tìm kiếm chủ nhân mới cho Lily và Madison ban đầu rất khó khăn do cả hai đều là giống chó lớn và chúng không thể tách rời nhau nên cần không gian rộng để có thể nuôi dưỡng được.

Sau khi thông tin về câu chuyện tình bạn diệu kỳ của hai cô chó Lily và Madison xuất hiện trên mạng xã hội Facebook, đã có hơn 200 người đăng ký nhận nuôi và rất nhiều người đã bày tỏ tình cảm về câu chuyện cảm động của đôi bạn này.

Hổ quý chết do “dính” bẫy thòng cổ

Hổ quý chết do “dính” bẫy thòng cổ

Các chuyên gia động vật hoang dã cho biết, xác hổ Siberia quý hiếm được phát hiện hôm 27/10/2011 ở hồ chứa nước làng Fusheng, tỉnh Hắc Long Giang, có thể bị chết do vô tình mắc bẫy thòng lọng làm bằng dây thép của các thợ săn.

Theo ông Sun Haiyi-Phó giám đốc Viện nghiên cứu Động vật hoang dã, “con hổ này có thể vô tình mắc kẹt trong bẫy thòng dây thép của các thợ săn”.

Các chuyên gia động vật hoang đang điều tra nguyên nhân cái chết của con hổ quý

Sun là người đã cùng các đồng nghiệp tới ngôi làng để tiến hành điều tra cái chết của con hổ Siberia quý hiếm. Qua kiểm tra sơ bộ, các chuyên gia đã phát hiện ra những vết rỉ ở dây thòng thép quấn quanh cổ của con hổ đã được một thời gian.

Cái bẫy thòng này không làm hổ chết ngay lập tức, nhưng nó có thể ảnh hưởng tới việc hổ ăn và săn mồi, dẫn đến cái chết của nó.

Và phát hiện thấy một dây thòng thép vòng quanh cổ hổ đã bị rỉ

Xác hổ đã được gửi cho tổ chức nghiên cứu động vật hoang dã vào tối thứ Sáu (28/10/2011) để các chuyên gia tiếp tục khám nghiệm tử thi.

Các chuyên gia cũng xác nhận, đây là con hổ Siberi hoang dã 2 tuổi, đã được phát hiện ở gần hồ nước ở làng Fusheng vào ngày 17/10/2011. Các nhân chứng cho biết, lúc đó con hổ vẫn còn sống và bơi lội trong hồ.

Côn trùng chỉ cần sợ cũng đủ chết

Côn trùng chỉ cần sợ cũng đủ chết

Các nhà nghiên cứu Canada nói rằng, sự có mặt của một động vật săn mồi cũng có thể gây căng thẳng đủ để giết chết con mồi, ngay cả khi con vật săn mồi không thực sự bắt được và ăn con mồi, theo hãng tin UPI.

Nhóm chuyên gia thuộc Đại học Toronto khẳng định phát hiện của họ có thể áp dụng đối với mọi sinh vật đối mặt với một mức độ căng thẳng nhất định.

“Cách thức con mồi phản ứng với nỗi sợ hãi bị ăn thịt là một chủ đề quan trọng trong sinh thái học, và chúng tôi đã biết nhiều về việc các phản ứng này tác động đến những tương tác giữa con mồi và động vật săn mồi như thế nào”, chuyên gia sinh học tiến hóa Locke Rowe cho biết.

Trong một cuộc thử nghiệm, ấu trùng chuồn chuồn mới sinh được nuôi trong bể. Một số được nuôi riêng biệt, và số còn lại được nuôi chung trong những bể nơi chúng có thể nhìn thấy và đánh hơi được mùi của động vật săn mồi, dù các con vật này không thực sự có thể ăn thịt chúng.

“Những gì chúng tôi phát hiện là bất ngờ, nhiều chuồn chuồn chết hơn khi con vật săn mồi chia sẻ môi trường sống với chúng”, ông Rowe nói.

Ấu trùng đối mặt với cá hoặc côn trùng săn mồi có tỷ lệ sống sót thấp hơn 2,5-4,3 lần so với ấu trùng không ở trong hoàn cảnh như vậy.

Và sau đó 11% ấu trùng đối mặt với cá đã chết khi chúng cố gắng biến hình sang giai đoạn trưởng thành, so với chỉ 2% ở nhóm ấu trùng sống trong môi trường không có cá.

“Chúng tôi đã cho các con chuồn chuồn mới sinh đi qua giai đoạn biến hình để trở thành các con trưởng thành, và nhận thấy những con lớn lên xung quanh các con vật săn mồi có khả năng thất bại trong việc hoàn thành quá trình biến hình cao hơn, và thường chết trong khi trải qua quá trình này”, ông nhấn mạnh.

Phát hiện xác hổ quý ở Trung Quốc

Phát hiện xác hổ quý ở Trung Quốc

Xác một con hổ Siberia quý hiếm vừa được phát hiện hôm qua tại một ngôi làng ở phía đông bắc Trung Quốc.

Con hổ Siberi chết cạnh bờ sông. Ảnh: 

Con hổ chết gần hồ chứa nước ở làng Fusheng, tỉnh Hắc Long Giang. Nó dài khoảng 2,5m, nặng 200kg.

China Daily cho biết, nguyên nhân dẫn tới cái chết của con hổ này vẫn chưa xác định. Theo một báo cáo, con hổ được phát hiện vẫn còn sống vào ngày 17/10 vừa qua, một nhân chứng nhìn thấy nó bơi lội trong hồ chứa.

Đây là con hổ hoang dã lần đầu tiên xuất hiện trong ngôi làng. Ở đây cũng không có khu bảo tồn hổ Siberia.

Hổ Siberia nằm trong danh sách 10 loài thú có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Chỉ khoảng 400 con còn tồn tại trên thế giới, phần lớn chúng sống ở Nga. Ở Trung Quốc chỉ có dưới 20 con.

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

10 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng

10 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng

Tê giác Java một sừng, loài vừa được tuyên bố là tuyệt chủng ở Việt Nam, là một trong 10 loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Theo WWF, tê giác Java ở vườn quốc gia Cát Tiên được phát hiện đã chết với vết đạn bị bắn vào chân và cái sừng biến mất vào tháng 4 năm ngoái. Loài tê giác một sừng Java tuyệt chủng ở Việt Nam. Hiện loài này vẫn còn một số cá thể và đang được bảo tồn ở Indonesia. Ảnh: WWF/AP.

Chim gõ kiến mỏ ngà. Loài này sống ở Nam Mỹ. Chúng có thể đã tuyệt chủng do mất môi trường sống. Ảnh: PA.

Báo Amur sống trong những khu rừng tuyết ở vùng viễn đông Nga. Các nhà khoa học cho rằng, chúng hiện chỉ còn 40 con do nạn săn trộm và khai thác gỗ. Ảnh: WWF.

Còn khoảng 100 con vượn tre lớn sinh sống ở Madagascar. Chúng đang bị đe dọa bởi nạn săn bắt của con người và mất đi môi trường sống. Ảnh: AP.

Chỉ còn khoảng 350 con cá voi lưng thẳng ở biển Atlantic. Ảnh: Alamy.

Khỉ đột núi. Còn khoảng 700 con vẫn còn sống ở phía đông Trung Phi. Loài này đang trên bờ tuyệt chủng do chính sách bất ổn của chính phủ nước này. Ảnh: AP.

Rùa luýt. Số lượng loài rùa lớn nhất thế giới này đang suy giảm ở mức báo động. Nguyên nhân là do con người lấy trứng của chúng đẻ trên bờ biển, còn tổ của chúng bị mất do bờ biển xói mòn. Ảnh: Alamy.

Hổ Siberia. Loài này sống ở vùng băng tuyết nước Nga. Số lượng của nó chỉ còn 40 con vào thập kỷ 1930 do bị săn bắn. Sau đó số lượng của loài tăng lên 500 con nhưng chúng vẫn đang bị đe dọa bởi nạn săn bắn của con người. Ảnh: Alamy.

Kỳ giông khổng lồ ở Trung Quốc. Chúng dài tới 1,8m, đang dần tuyệt chủng do môi trường sống bị ô nhiễm nặng. Ảnh: Alamy.

Hải cẩu Hawaii còn ít hơn 1.000 con. Các nhà khoa học chưa giải thích vì sao số lượng của chúng lại suy giảm. Ảnh: AP.


Loài nào tiếp bước tê giác một sừng?

Loài nào tiếp bước tê giác một sừng?

Hơn 20 năm đeo đuổi việc bảo vệ tê giác một sừng cho VN, cuối cùng Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã phải cay đắng khi thông báo: "Tê giác đã tuyệt chủng ở VN".

Đó là một thông tin buồn đối với những người làm đa dạng sinh học, người yêu thế giới hoang dã. Đặc biệt với trẻ em Việt Nam, cơ hội nhìn thấy loài tê giác một sừng đặc hữu chỉ duy nhất có ở đất nước mình (Rhinoceros sondaicus annamiticus) giờ đây đã không còn.

Dĩ nhiên, buồn không phải vì cái sừng tê giác mà là sự tồn tại của một loài, điều kỳ diệu ấy nay đã không còn. Người dân, và báo chí VN, có lẽ không thể quên khoảnh khắc mùa hè năm 1998 khi tất thảy đều hân hoan với mấy bức ảnh hiếm hoi chụp được về tê giác một sừng còn lại ở nước mình, tại khu bảo tồn tê giác Cát Lộc (nay là vườn quốc gia Cát Tiên), nhờ kỹ thuật bẫy ảnh của các chuyên gia quốc tế thực hiện giúp.

Và từ đó, niềm tin về sự hiện diện của loài cổ động vật có vú hoang dã đặc biệt quý hiếm mang tên “tê giác” ở VN được vững chắc, và hi vọng các nỗ lực bảo tồn phát triển nó được tiếp sức nhiệt huyết hơn.

Hành trình chống chọi để tồn sinh của loài tê giác ở VN thật ngoan cường, vì nó là loài động vật mà con người có nhu cầu hạ sát rất lớn, bởi “huyền thoại” dược chất từ chính chiếc sừng của nó.

Năm 1932, con tê giác hai sừng (Rhinocerros sumatrensis) cuối cùng của VN bị bắn chết ở Lai Châu. Năm 1982, những con tê giác một sừng bị hạ sát ở Lộc Bắc (Lâm Đồng). Năm 1984, ở thượng nguồn suối Jung Bo (Cát Tiên, Lâm Đồng) xác con tê giác một sừng bị bắn được phát hiện. Năm 1988, một con lại bị hạ gục bên thượng nguồn sông Đồng Nai. Năm 1989, lại một con tê giác một sừng nữa đổ gục vì họng súng từ con người ở Bù Đăng (Sông Bé)...

Đó là những cái chết người ta nhìn thấy xác, còn bao cái chết nữa của loài cổ động vật này giữa rừng sâu thì chỉ cỏ cây mới biết. Nhưng nay, rõ cái chết vì súng đạn con người hồi cuối tháng 4-2010 của con tê giác một sừng cuối cùng của VN ở xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng đã khép lại “bộ phim” bi kịch loài tê giác ở VN.

Từ cái chết đến độ tuyệt chủng của tê giác một sừng đã cho thấy vườn quốc gia không hề còn là nơi an toàn cho động vật cần bảo tồn trên đất nước này. Hiện trạng đó khiến không thể không âu lo với câu hỏi: Sẽ đến lượt loài thú nào rơi vào tuyên bố “tuyệt chủng” nữa đây? Cọp, mang lớn, voọc chà vá, bò xám, voi, sói lửa, min, hay một ngày rồi đến cả con cheo, con dúi, con nhím...?!

Mất đi một loài có là chuyện “nhỏ” không, hay nó vén lên cho ta thấy những lỗ hổng, những yếu kém, chỉ rõ ra những bất lực không thể chối cãi trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên - những thứ của cải không thể dùng trình độ công nghệ cao và sự thông minh của con người để sinh ra. Quý như con tê giác một sừng, luôn có sự hỗ trợ tài lực, nhiệt huyết và động viên coi sóc từng ngày của quốc tế, mà cũng “kết thúc” trong nghiệt ngã đến thế.

Còn nhớ, nhà khoa học sinh thái đương đại lừng danh, giáo sư Bruno Streit - Viện Sinh thái tiến hóa và đa dạng thuộc Đại học Frankfurt (Đức), tác giả của 160 công bố khoa học về sinh thái - chẳng kiên trì nhắc nhở: “...Khi chúng ta không cố gắng thật sự để tạo nên một sự bền vững lâu dài dựa trên cơ sở của những nhận thức ngày nay và trong tương lai của chúng ta, thì ngay từ bây giờ chúng ta sẽ đánh mất sự đa dạng sinh học và cùng với nó hẳn cũng là chất lượng sống của những thế hệ trong tương lai”.

Ngày tận thế của 250 triệu năm trước

Ngày tận thế của 250 triệu năm trước

250 triệu năm trước, một tiểu hành tinh đã va chạm Trái đất, đồng thời với sự dịch chuyển của lớp vỏ trái đất. Nhiều loài trên Trái đất đã bị tuyệt diệt để rồi sự sống lại hồi sinh vụ thảm sát khủng khiếp đã xảy ra, một tội ác ghê gớm nhất mà hành tinh đã từng chứng kiến, và điều đáng nói hơn là đó lại chính là một trong những yếu tố đầu tiên giúp chúng ta có mặt trên thế giới này.

Ảnh minh họa

Chúng ta vẫn thấy quen thuộc với thảm họa tuyệt chủng 65 triệu năm trước vào cuối kỉ Creta (Phấn trắng), gây ra sự tuyệt chủng của các loài khủng long thống trị Trái Đất thời đó. 

Nhưng thực tế, một thảm họa thật sự của thời cổ đại lại không phải vụ tuyệt chủng này mà là một sự kiện hoàn toàn khác, như một tội ác đẫm máu nhất trong lịch sử của hành tinh, đóng một vai trò rất lớn tới sự phát triển sự sống trong hàng trăm triệu năm, trong đó có cả sự thống trị rồi tuyệt chủng của khủng long, cuộc lên ngôi của các động vật có vú và cả nhân loại chúng ta ngày nay. Đó là cuộc đại tuyệt chủng Permi (hay Permi-Trias, Permian-Triassic great extinction).

Tuyệt diệt các loài...

Đại tuyệt chủng Permi diễn ra vào cuối kỉ Permi cách đây 250 triệu. Cuộc đại tuyệt chủng đã xóa sổ 95% số loài động vật tồn tại dưới đại dương và hơn 70% số loài trên mặt đất. Trái Đất khi đó không khác gì địa ngục như những cảnh tượng tưởng như chỉ có trên phim ảnh chỉ một chút nữa là sự sống đã biến mất vĩnh viễn trên hành tinh này và chúng ta sẽ chẳng bao giờ được ra đời. Trong rất nhiều năm các nhà khoa học không cách nào để tìm hiểu được nguyên nhân thực sự của sự kiện khủng khiếp này.

Có nhiều ý kiến tranh luận trong các nhà khoa học, có ý kiến cho rằng một thiên thạch khổng lồ (hay một tiểu hành tinh) với kích thước lớn hơn cả ngọn Everest đã va chạm với Trái Đất hủy diệt các loài sinh vật (khác với vụ va chạm 65 triệu năm trước), cũng có ý kiến cho rằng sự tuyệt chủng hàng loạt xảy ra kéo dài trong vài triệu năm, nên nó phải là kết quả của một quá trình dài chứ không phải là một vụ va chạm duy nhất, thậm chí còn có giả thuyết rằng đó là hậu quả của bức xạ đến từ một vụ nổ supernova (sao siêu mới/siêu tân tinh). Nhưng sự phát triển của các mô hình ngày nay dựa trên hóa thạch xác các loài động thực vật đã thu gọn khoảng thời gian của cuộc đại tuyệt chủng chỉ từ 8.000 đến 100.000 năm thay vì vài triệu năm như tính toán trước kia.

Trái Đất hơn 200 triệu năm trước với siêu lục địa duy nhất Pangaea

Chúng ta thấy rằng con số này chỉ là một cái chớp mắt đối với lịch sử địa chất hơn 4 tỷ năm của Trái Đất. Như vậy có nghĩa là cuộc tàn sát diễn ra rất nhanh, hoàn toàn có khả năng là do một va chạm từ thiên thạch hoặc tiểu hành tinh. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là những suy đoán lý thuyết, để đưa ra một kết luận thì bằng chứng vẫn là không thể thiếu.

...và thủ phạm

Các nhà khoa học đã tìm thấy sâu bên trong các mẫu đá hiếm hoi còn lại từ thời Permi-Trias các phân tử gọi là fullerene. Đây là các tinh thể carbon gần giống than chì, có cấu tạo tinh thể giống như một quả bóng đá như bạn thấy ở hình dưới. Bên trong các tinh thể này có dấu vết của nguyên tử Heli3 và Argon36. Đây là những đồng vị rất khó tìm được trên Trái Đất, nó chỉ phổ biến ở các thiên thạch đến từ vũ trụ. Đây là một bằng chứng khá thuyết phục về việc một tiểu hành tinh đã va chạm với Trái Đất vào cuối kỉ Permi. 

Vấn đề đặt ra là, có vẻ như tiểu hành tinh chỉ là kẻ đồng lõa trong vụ thảm sát này, hay có thể là một tác nhân quan trọng thúc đẩy những nghi phạm khác. Các đồng lõa của tiểu hành tinh này chính là sự dịch chuyển của các mảng thạch quyển và sự phun trào của núi lửa trên Trái Đất.

Động thực vật kỉ Permi

Khác với thời điểm hiện nay, vào thời kì của đại cổ sinh Paleozoic, Trái Đất chúng ta có hai lục địa lớn là Laurasia và Gondwana. Trước hết xin nói qua về các chuyển động của vỏ Trái Đất:
Chúng ta đều biết rằng trong lòng Trái Đất là khối dung nham khổng lồ, như một dòng sông của lửa và đá nóng chảy, còn bề mặt Trái Đất nơi chúng ta sinh sống chỉ là một lớp đá rắn mỏng nằm trên đó, giống như lớp băng trên mặt biển các vùng cực. Do chuyển động của các dòng biển nên lớp băng không thể luôn bền vững, một số chỗ bị nứt vỡ, chúng có thể trôi và va chạm với nhau khi có tác động mạnh như các dòng chảy bên dưới hay đơn giản là một va chạm do con người tạo ra phía trên. Lớp vỏ Trái Đất cũng như vậy, nó gồm nhiều mảnh vỡ nổi trên biển dung nham. Mặc dù các mảnh thạch quyển này có khối lượng rất lớn và xếp khá khít nhau nhưng không có nghĩa là chúng không có những rung chuyển, va chạm, ngay những núi lửa bình thường lâu ngày lại phun trào cũng chính là do những vết nứt vỡ trên vỏ Trái Đất tạo nên.

Ở kỉ Permi, lớp vỏ Trái Đất biến động dữ dội, các mảng thạch quyển khổng lồ rung chuyển, nứt vỡ, di chuyển và va chạm. Hai lục địa Laurasia và Gondwana tiến tới gần nhau và hợp nhất thành siêu lục địa Pangaea (lục địa duy nhất trên Trái Đất khi đó). Sự hợp nhất này gây ra một cú va chạm khủng khiếp, sự nứt vỡ xảy ra hàng loạt, một khối lượng dung nham khổng lồ bị nén lại và phun trào lên mặt đất. 

Theo con số tính toán của các nhà khoa học hiện nay, lượng dung nham đã được ném lên bên trên bề mặt hành tinh chúng ta khi đó là khoảng 1,5 triệu km³. Đây là một con số khổng lồ đến mức khó tưởng tượng vì một thông tin khác bạn cũng nên biết là những núi lửa ghê gớm nhất từng phun trào trong lịch sử loài người cũng khó có thể phun ra tới 1 km³ dung nham, vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu có tới 1,5 triệu ngọn núi lửa như vậy cùng phun trào khắp nơi trên mặt đất?

Cả hành tinh là một biển lửa không gì có thể dập tắt. Bụi và khí carbonic tràn ngập trong không khí phủ kín bầu trời gây ra hiệu ứng nhà kính làm không khí càng nóng thêm. Dưới đại dương, các dòng hải lưu thay đổi và nhiều hệ sinh thái biến mất do sự di chuyển và va chạm lục địa. Toàn bộ quá trình này là hệ thông các nguyên nhân gây ra cuộc đại tuyệt chủng tàn khốc nhất lịch sử.

Hồi sinh

Khi tiểu hành tinh lao vào Trái Đất cùng các va chạm lục địa xảy ra, một phần loài bò sát, ca và đa số các loài côn trùng khổng lồ bị tiêu diệt, chính là điều kiện để một số nhóm bò sát phát triển thành loài khủng long, chúng lên ngôi trở thành kẻ thống trị hành tinh thật sự trong suốt hơn 150 triệu năm.

Không chỉ thế, sự thay đổi này cũng đã tạo điều kiện cho những tổ tiên xa xôi nhất của chúng ta tồn tại và phát triển, dù chỉ luôn là những kẻ chạy trốn trong thế giới của khủng long nhưng ít nhất các loài động vật có vú này vẫn có thể tồn tại chờ tới thời khắc của mình, trong khi nếu như không có sự kiện đại tuyệt chủng thì những sinh vật nhỏ bé như tổ tiên xa xưa này của chúng ta chẳng thể sống được ở một thế giới của đủ những kẻ thù từ lớn tới nhỏ, không chỉ bò sát, cá mà cả những con côn trùng khổng lồ.

Sau hơn 150 triệu năm thống trị của loài khủng long, một lần nữa lại một triều đại sụp đổ, và đó chính là thời khắc của các tổ tiên động vật có vú.

Nếu nhìn dọc lịch sử phát triển Trái Đất, chúng ta thấy rằng mỗi cuộc tuyệt diệt đều mang lại những giá trị quan trọng của nó.
Cây cối chết hàng loạt ở kỉ Carbon (còn gọi là kỉ than, 300 triệu năm trước) tạo nên những mỏ than đá cho chúng ta ngày nay, cá chết hàng loạt trong thảm họa đại tuyệt chủng Permi cung cấp nguồn dầu mỏ khổng lồ mà ngày nay chúng ta không thể thiếu ... Chúng ta cũng thấy rằng thiên thạch/tiểu hành tinh và các núi lửa luôn là những kẻ dường như nắm quyền sinh sát trên hành tinh này.

Chính những cuộc tấn công của thiên thạch từ 4 tỷ năm trước đã mang những chất hữu cơ đầu tiên đến Trái Đất để những dạng sống đầu tiên ra đời. Mỗi khi núi lửa phun trào đều gây ra thảm họa cho sinh vật, nhưng chính nó đã cứu hành tinh vào thời kì đóng băng toàn cầu 850 triệu năm trước (khác với kỉ băng hà 12.000-100.000 năm trước), nhưng rồi nó lại cùng với một tiểu hành tinh quay trở lại thành kẻ hủy diệt vào đại tuyệt chủng Permi, cũng là đáng sáng thế cho một thế hệ sinh vật mới. Và khi triều đại của khủng long đã kéo dài đủ lâu, những thế lực này một lần nữa sắp xếp lại tất cả, để kết quả cuối cùng là chúng ta ngày nay.

Thảm họa Permi, cũng như nhiều cuộc tuyệt chủng nhỏ hơn khác, chỉ là một tai nạn và những "thủ phạm" nêu trên đã vô tình gây ra, và trên một góc độ nào đó, nó còn là cơ hội mang lại sự sống và văn minh ngày nay chúng ta đang tận hưởng. Tuy nhiên, trong triều đại của chính chúng ta thì sẽ chẳng có ai mong có một sự biến chuyển như vậy xảy ra, và đó là lí do ngày nay các nhà khoa học vẫn không nhừng quan sát và dự đoán, để ngăn chặn những kẻ tàn sát tiếp theo có thể một ngày sẽ tới thăm Trái Đất.

Việt Nam vĩnh viễn mất tê giác một sừng

Việt Nam vĩnh viễn mất tê giác một sừng

Loài tê giác một sừng (tê giác Java) đã chính thức tuyệt chủng tại Việt Nam. Thông tin này được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) và Tổ chức Bảo tồn Tê giác Thế giới (IRF) khẳng định vừa mới đây.

“Thật đau buồn vì mặc dù đã đầu tư đáng kể cho các nỗ lực bảo tồn quần thể tê giác tại Việt Nam, song chúng ta vẫn không thể cứu được loài động vật quý hiếm này. Tê giác Java tuyệt chủng, Việt Nam nghiễm nhiên bị mất đi một phần di sản thiên nhiên của đất nước” – bà Trần Thị Minh Hiền, Giám đốc WWF Việt Nam, chia sẻ.


Cuối tháng 4/2010, xác một con tê giác Java đã được phát hiện tại vườn quốc gia Cát Tiên trong tình trạng đạn găm vào chân và sừng biến mất. Kết luận điều tra do WWF công bố hồi tháng 1 năm nay chỉ rõ nạn săn trộm có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của cá thể tê giác nói trên.

Tê giác một sừng đã được cho là tuyệt chủng tại châu Á cho đến khi người ta săn được một cá thể tê giác trong khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên năm 1988, dẫn đến việc phát hiện ra một quần thể tê giác nhỏ. Từ sau đó, rất nhiều tổ chức đã tích cực tham gia bảo tồn quần thể tê giác cuối cùng còn sót lại, song không thành công.

Thừa nhận rằng, tại Việt Nam, mất môi trường sống là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết cục tuyệt chủng tê giác một sừng, WWF cũng đồng thời cảnh báo, việc thực thi luật pháp chưa toàn diện và tình trạng quản lý các khu bảo tồn kém sẽ chỉ tăng thêm áp lực lên các quần thể loài dễ bị tổn thương.

“Thời gian qua, những nỗ lực bảo tồn tê giác Java tại Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để cứu loài ra khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Nếu tình trạng ấy vẫn cứ tiếp diễn thì rất có thể sẽ có thêm nhiều loài khác tuyệt chủng tại Việt Nam”, ông Nick Cox, Quản lý Chương trình Loài của WWF tại khu vực Tiểu vùng Mê Kông, nhận định.

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Giun đất giúp làm chậm biến đổi khí hậu

Giun đất giúp làm chậm biến đổi khí hậu

Giun đất có thể giúp giữ nước trong đất vào mùa khô, ngăn chặn lũ lụt và làm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.


Loài giun đất đã sống trên hành tinh của chúng ta gần 300 triệu năm qua, nhưng cho tới gần đây, những vai trò quan trọng của chúng chỉ vừa mới được các nhà nghiên cứu người Anh tiết lộ.

Theo các nhà nghiên cứu, trong quá trình đào hang trong đất, loài giun đất đã vô tình giúp đất đai trở nên tơi xốp và tái tạo chất dinh dưỡng; hấp thụ nước và biến đất thành dạng bọt biển ngăn chặn lũ lụt.

Còn trong mùa hạn, chúng lại giúp làm chậm lại quá trình mất nước trong đất. Từ đó, giun đất có thể giúp làm chậm lại ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu hay hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Ngoài ra, giun đất còn đóng vai trò là nguồn thức ăn quan trọng đối với nhiều loài chim khác nhau. Một con giun đất có thể sống thọ tới 10 năm, di chuyển với vận tốc 8m/giờ trên mặt đất.

Mùa sinh sản của giun đất phụ thuộc vào điều kiện khí hậu. Khi môi trường đạt tới nhiệt độ và độ ẩm thích hợp (thường là trong thời kỳ nóng ẩm) loài giun đất sẽ tìm kiếm đối tác để thụ tinh.

Hoạt động giao phối thường diễn ra vào ban đêm. Mỗi một con giun đất, trong điều kiện lý tưởng, có thể sinh sản từ 100 tới 140 con giun con trong một năm.

Ảnh đẹp động vật trong tuần

Ảnh đẹp động vật trong tuần

Sư tử lộn ngược trên không để tránh đòn, bầy khỉ trong hốc cây, hàng nghìn con linh dương vượt sông là những hình ảnh đẹp về động vật trong tuần.

Chú sư tử con lộn nhào trên không để tránh cú tát của con sư tử cái lớn hơn trong khu bảo tồn Masai Mara của Kenya. Ảnh: Solent News.

Hai con chim hải âu rụt cổ đánh nhau trên một đảo thuộc quần đảo Farne của Anh. Ảnh: Rex Features.

Gấu nâu bơi trong một dòng sông tại bang Alaska, Mỹ để bắt cá hồi. Ảnh: Barcroft.

Khoảng 5.000 nghìn con linh dương vượt sông Mara tại Tanzania trong chuyến di cư hàng năm của chúng. Đây là một trong những cuộc di cư lớn nhất của động vật trên hành tinh. Hàng năm khoảng 1,5 triệu con vật vượt sông Mara. Ảnh: Caters News.

Lợn mang tên Turopolje chạy trong chuồng tại vườn thú Zurich, Thụy Sỹ. Ảnh: EPA.

Một con cá voi mắc bệnh bạch tạng bơi cùng mẹ gần bờ vịnh Botany, Autralia. Ảnh: Rex Features.

Bốn con khỉ đêm chen chúc trong một hốc cây trong rừng Amazon thuộc địa phận Ecuador. Do kiếm ăn vào buổi tối, khỉ đêm sở hữu cặp mắt lớn để quan sát trong điều kiện ánh sáng yếu. Ảnh: Solent News.

Hai con hươu đực bước trên một đồng cỏ tại Anh vào lúc bình minh. Ảnh: Rex Features.

Hổ con nô đùa với mẹ trong vườn thú thành phố Zurich, Thụy Sỹ. Ảnh: EPA.

Con nai mẹ cố gắng bảo vệ đứa con bị ốm trước sự nhòm ngó của đàn chim kền kền trong khu bảo tồn Masai Mara tại Kenya. Ảnh: Rex Features.

Cá heo 'nhảy múa' trên sông

Cá heo 'nhảy múa' trên sông

Con cá dài khoảng 2 m lúc vọt cả thân mình lên mặt nước, lúc phóng như tia chớp xuống lòng sông rồi bất ngờ nhô đầu lên. Cảnh tượng ấy đã thu hút hàng nghìn người dân sống hai bên bờ sông Trà Lý (Thái Bình). 

Cá heo nhô chiếc vây màu xám lên khỏi mặt nước. Ảnh: Hải Hưng.

Từ 7h sáng 21/10 cho đến chiều cùng ngày, hàng nghìn người dân ở hai xã Đông Hòa (Đông Hưng) và Tân Bình (Vũ Thư) đổ xô ra bờ sông Trà Lý để chiêm ngưỡng cá heo. Cá dài khoảng hai mét, lưng vây màu xám, phần bụng hơi trắng.

Đoạn sông cá heo nổi cách cửa biển Trà Lý khoảng 30 km. Một số người dân cho biết, sáng cùng ngày đã có vài người dùng thuyền nhỏ mang dây kích điện ra để bắt cá, nhưng không thành.

Đến 2h chiều, cá có dấu hiệu mệt, không "nhảy múa" nhiều như trong buổi sáng.

Hàng nghìn người dân đứng chiêm ngưỡng cá heo. Ảnh: Hải Hưng.

Đây là lần thứ hai loài cá nước mặn này xuất hiện trên sông Trà Lý ở Thái Bình. Lần thứ nhất, cách đây 5 năm, một đôi cá heo nặng khoảng 200 kg mỗi con đã lạc đường vào sông Trà Lý, thuộc phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình. Sau đó người dân không rõ đôi cá này đi về đâu.

Theo ông Vũ Thái Hệ, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ khai thác thủy lợi Thái Bình, hiện tượng cá heo lạc vào sông Trà Lý không có gì lạ, bởi có thể do cá đi kiếm mồi hoặc do triều cường. Chi cục đã cử cán bộ xuống khúc sông nơi cá heo xuất hiện để tìm hiểu.

Phát hiện loài cá săn mồi tập thể

Phát hiện loài cá săn mồi tập thể

Các nhà khoa học vừa phát hiện một loài cá ở Biển Đỏ làm việc theo nhóm để săn lùng và bắt mồi.

Theo hãng tin BBC, các bầy cá phèn yên vàng (tên khoa học là Parupeneus cyclostomus), một loài cá nhiệt đới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, săn mồi theo phương pháp tập thể. Trong đó, một con cá đuổi theo con mồi, còn các con còn lại phong tỏa các đường thoát.

Cá phèn yên vàng

Phát hiện về hành vi phối hợp khác thường này, các nhà khoa học đã đặt loại cá này vào nhóm động vật cao cấp với khả năng săn mồi tập thể.

Các nhà khoa học thuộc ĐH Neuchatel (Thụy Sĩ) đang nghiên cứu loài cá nói trên ở Biển Đỏ, ngoài khơi bờ biển Ai Cập, để tìm hiểu thêm về cấu trúc xã hội của chúng.

Loài cá này sống thành nhóm dựa trên kích cỡ hơn là quan hệ gia đình, trong đó các con cá có kích cỡ tương tự nhau hợp thành nhóm. Theo các chuyên gia, điều này cho phép chúng phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ hơn.

Mỗi con cá có một vai trò cụ thể trong các cuộc săn lùng, hoặc là “kẻ rượt đuổi” hoặc là “kẻ ngăn chặn”, ông Redouan Bshary, trưởng nhóm nghiên cứu nói.

Theo chuyên gia này, hành vi tương tự được xác định chỉ tồn tại ở một số ít loài động vật, chủ yếu là động vật hữu nhũ, nhưng cũng từng được chứng kiến ở một số loài chim.

“Rất ít cá được nhìn thấy làm việc cùng nhau”, ông Bshary nhấn mạnh.

Theo dõi loài kỳ lân biển ở Bắc cực

Theo dõi loài kỳ lân biển ở Bắc cực

Thông tin trên trang mongabay.com cho hay một nhóm các nhà khoa học Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Canada (WWF-Canada) đã gắn máy phát tín hiệu vệ tinh lên 9 con kỳ lân biển vào tháng 8-2011 nhằm theo dõi hoạt động sinh sống của một trong những loài động vật bí ẩn nhất của đại dương.


“Chương trình gắn máy phát tín hiệu vệ tinh lên loài kỳ lân biển là một cơ hội để chúng tôi hiểu rõ thêm về loài cá voi có răng này trong lúc môi trường xung quanh chúng có nhiều sự thay đổi. Chúng tôi biết cuộc sống của chúng thường gắn liền với băng biển và chúng tôi cũng biết hiện các biển băng đang thu hẹp lại.

WWF đang cố gắng tìm hiểu làm thế nào mà loài kỳ lân biển cũng như các động vật khác sống phụ thuộc vào băng ở Bắc cực có thể thích ứng với môi trường thay đổi; qua đó, chúng tôi sẽ có những biện pháp bảo vệ chúng” - ông Peter Ewins, làm việc tại WWF-Canada, người phụ trách việc nghiên cứu và theo dõi loài kỳ lân biển, cho biết.


Các nhà khoa học WWF-Canada gắn máy phát tín
hiệu vệ tinh lên một con kỳ lân biển - (Ảnh: WWF)

Kỳ lân biển (the narwhal - monodon monoceros) hay còn gọi cá voi có ngà thuộc phân họ cá voi có răng. Các nhà khoa học WWF cho biết hiện dân số loài này còn khoảng 80.000 cá thể trưởng thành, được phân loại ở mức “Sắp bị đe dọa (NT)” trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Ngoài việc bị đẹ dọa bởi biển băng Bắc thu hẹp, kỳ lân biển còn gặp nguy hiểm khi va chạm với các giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí ở Bắc cực và với các tuyến đường hàng hải.