Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Lỗi kỹ thuật giết hàng loạt ốc sên quý hiếm

Lỗi kỹ thuật giết hàng loạt ốc sên quý hiếm

Các nhà bảo tồn người New Zealand cho biết một lỗi kỹ thuật đã khiến 800 con ốc sên đất quý hiếm (được xếp vào loài có nguy cơ tuyệt chủng cao) bị đông lạnh cho đến chết.


Loài ốc sên đất khổng lồ có tên gọi Powelliphanta (ảnh) chỉ có tại New Zealand. Vài năm trước, do nhu cầu khai thác một mỏ than trên cao nguyên Stockton nên người ta đã di dời 6.000 cá thể ốc Powelliphanta qua môi trường sống mới. 4.000 trong số đó được trả lại môi trường tự nhiên, số còn lại được nuôi nhốt vừa để nghiên cứu khoa học vừa nhằm bảo tồn để tránh thảm họa tuyệt chủng.

John Lyall, nhân viên quản lý kỹ thuật cho biết đám ốc sên được nuôi nhốt trong 3 container. Một thiết bị thăm dò nhiệt độ bị hỏng đột ngột khiến nhiệt độ giảm xuống quá thấp và làm chết 800 con ốc sên.

Theo BBC, tai nạn này làm cho một số nhà môi trường không hài lòng và chỉ trích việc nuôi nhốt động vật hiếm thay vì để chúng sống trong môi trường tự nhiên. Đầu tiên là “ngôi nhà” của chúng trên cao nguyên Stockton bị phá hủy để khai thác mỏ than còn lần này thì chúng bị chết trong điều kiện nuôi nhốt. Để tránh tình trạng này tái diễn, các hệ thống cảnh báo đã được lắp đặt để thường xuyên giám sát.

Nhện “sát thủ” gieo nỗi sợ hãi khắp nước Anh

Nhện “sát thủ” gieo nỗi sợ hãi khắp nước Anh

Giới chức Anh đang thực sự lo ngại trước tình hình nhện “sát thủ” lưng đỏ “mai phục” tại rất nhiều nơi trên khắp xứ sở sương mù.


Ảnh minh họa

Nhện lưng đỏ Australia được coi là một trong những loài nhện độc nhất. Với kích thước chỉ bằng hạt đậu, có sọc đỏ trên lưng, vết cắn của nhện lưng đỏ sẽ gây đau buốt cực kỳ khó chịu, đau tấy, nôn mửa, đau ngực, phát sốt, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Tới nay, nhện lưng đỏ đã tấn công khắp nước Anh, đặc biệt là ở khu vực Lancashire, tây bắc nước này.

Các chuyên gia cảnh báo, nhện lưng đỏ Australia là một phần trong “cuộc xâm lược của các loài côn trùng nguy hiểm” tấn công nước Anh, bao gồm cả gián và kiến.

Theo nhận định, nhện lưng đỏ tràn vào Anh qua đường hàng hóa nhập khẩu, và hành lý của du khách nước ngoài.

Hàng ngàn cá ăn thịt tấn công khách du lịch

Hàng ngàn cá ăn thịt tấn công khách du lịch

Đã có ít nhất 15 khách du lịch bị thương sau khi bị hàng ngàn con cá piranha – loài cá ăn thịt hung dữ, vì lũ lụt nên đã tràn vào một bãi tắm nổi tiếng phía Tây Brazil, tấn công trong vài ngày qua.

Các quan chức thành phố Caceres, bang Mato Grosso xác nhận, đây là lần đầu tiên khu du lịch Daveron gặp phải trường hợp này và cho biết loài cá piranha bắt đầu xuất hiện từ hai tuần trước. Nguyên nhân do lũ lụt  đã cuốn loài cá này theo dòng chảy trên sông Paraguay đổ về.

Cá piranha hay còn gọi Cá răng đao, cũng có tên thường gọi là "cá cọp", một loại cá nước ngọt. Một con cá Piranha trưởng thành có kích thước từ 14 đến 26 cm.

Nhân viên cứu hỏa của địa phương Raul Castro de Oliveira ra cảnh báo: “Mọi người phải cẩn thận, một khi có ai đó bị cắn, cách tốt nhất những người còn lại nên nhanh chóng rời khỏi vùng nước vì loài cá  này đánh hơi mùi máu rất nhạy”.

Một du khách bị cắn kể lại, “Tôi đang bơi trên sông, bỗng thấy đau nhói ở chân và phát hiện mình bị cắn ở ngón chân. Sau đó tôi đã khẩn trương lên bờ vì biết máu chảy ra nhiều, cá sẽ vây đến tấn công mạnh hơn”.

Các quan chức địa phương cũng cho hay, tuy xảy ra sự cố nhưng bãi tắm sẽ vẫn mở cửa vì khu du lịch sinh thái này thu hút lượng lớn khách.

Một phát ngôn viên của chính quyền địa phương ra lời trấn an khách du lịch: “Mọi người ở đây đã  và sẽ được học cách bảo vệ cần thiết. Tuy lần này dân chúng và chính quyền bị bất ngờ vì cá chưa bao giờ xuất hiện ở vùng này”.

Tuy nhiên, mấy ngày qua, lượng khách du lịch đến nghỉ ngơi tại khu du lịch này đã giảm hẳn, riêng hôm 15.11 bãi tắm không một bóng người.

Cá cũng thích mát xa

Cá cũng thích mát xa

Cuộc sống dưới đáy biển cũng rất áp lực. Cá đuôi gai may mắn khi có “nhân viên” mát - xa giúp chúng giải tỏa căng thẳng thần kinh.

Cá đuôi gai thường tận dụng loài cá dọn vệ sinh để giúp chúng dọn dẹp ký sinh trùng và tế bào chết trên da. Ngoài ra, cá dọn vệ sinh còn cung cấp một dịch vụ khác: giải tỏa căng thẳng cho cá đuôi gai đang bị kích động bằng cách cọ đi cọ lại vào da cá đuôi gai.

Nhà khoa học Marta Soares và đồng nghiệp ở Viện ĐH ISPA (Bồ Đào Nha) thử nghiệm trên 2 nhóm cá, mỗi nhóm gồm 8 con. Mỗi con cá trong một chiếc xô trong một thời gian ngắn để mô phỏng áp lực mà chúng gặp phải trong thiên nhiên, như bị kẻ thù săn đuổi, mâu thuẫn với loài cá khác, hay tranh chấp thức ăn.

Sau đó họ thả cá đuôi gai vào cùng cá dọn vệ sinh. Một nhóm cá được để ở trạng thái yên tĩnh, còn nhóm kia bị lắc đi lắc lại.

Nhóm nghiên cứu thấy rằng đàn cá ở trong thùng bị lắc lư lặn xuống đáy thùng và dùng vây giả để cọ lưng. Nhóm cá này ở trạng thái thư giãn hơn, được đo bằng lượng hormone steroid – được tiết ra khi cơ thể bị căng thẳng.

Cá nhà táng mắc cạn tại Australia

Cá nhà táng mắc cạn tại Australia

Hơn 20 con cá nhà táng dạt vào một bờ biển của Australia và lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để cứu hai con còn sống.


Hai nhân viên cứu hộ xem xét xác của một con cá nhà táng trên bờ biển Ocean thuộc đảo Tasmania, Australia vào ngày 13/11. Ảnh: AFP.

AP đưa tin 22 con cá nhà táng – mỗi con có khối lượng tới hai tấn và chiều dài thân lên tới 12 m – dạt vào bãi biển Ocean, đảo Tasmania từ hôm 12/11 và đã chết. Sau đó bốn con khác dạt vào đảo. Các chuyên gia hải dương và nhân viên cứu hộ đã giúp hai con thoát nạn, song họ chưa thể làm điều tương tự với hai con kia. Nỗ lực của lực lượng cứu hộ bị cản trở bởi thời tiết xấu.

Chris Athur, quan chức phụ trách hoạt động cứu hộ động vật hoang dã trên đảo Tasmania, nói rằng những con cá nhà táng quá lớn nên lực lượng cứu hộ không thể kéo chúng ra vùng nước sâu. Thay vào đó họ phải áp dụng những biện pháp phức tạp hơn.

“Nhân viên cứu hộ buộc một lưới đặc biệt vào hai thuyền rồi tìm cách đưa lưới xuống phía dưới cơ thể cá nhà táng và nâng chúng lên. Biện pháp này có thể phát huy tác dụng đối với những con vật lớn”, Athur mô tả.

Nhưng lực lượng cứu hộ phải tạm dừng công việc tới tận hôm nay do biển động và gió lớn.

“Chúng tôi hy vọng điều kiện thời tiết sẽ thuận lợi hơn trong vài ngày tới. Những con cá nhà táng đã kiệt sức, song vây của chúng vẫn đập xuống nước. Thời tiết đang chống lại chúng tôi, song nếu chúng tôi xử lý đúng cách thì hai con cá có thể sống thêm vài ngày nữa”, Athur nói.

Hàng trăm cá voi dạt vào các bờ biển của Australia mỗi năm. Các vụ mắc cạn thường diễn ra vào mùa hè, khi cá voi di cư tới hoặc trở về từ Nam Cực. Giới khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân khiến chúng dạt vào bờ.

Cá nhà táng là loài lớn nhất trong phân bộ cá voi có răng. Chiều dài cơ thể của con đực trưởng thành có thể tới 15-18 m, còn trọng lượng từ 45 tới 70 tấn.

Người phụ nữ nuôi 1.500 con chó và 200 con mèo

Người phụ nữ nuôi 1.500 con chó và 200 con mèo

Ha Wenjin, một người yêu động vật sống tại Nam Kinh (Trung Quốc) đã từ bỏ công việc, bán đi xe ôtô, đồ trang sức và cả căn nhà để chăm sóc cho 1.500 con chó và 200 con mèo.
 
Người phụ nữ trung niên này cho biết, vì tình yêu với động vật, ban đầu cô chỉ chăm sóc một vài chú chó trong thời gian rảnh rỗi của mình. Tuy nhiên, số lượng chó liên tục tăng lên, khiến cô cần phải có n hiều thời gian hơn nữa để chăm sóc chúng. Cuối cùng, Ha Wenjin đã bỏ cả công việc để dành toàn bộ thời gian chăm sóc các chú chó. 

Ha Wenjin bắt đầu nuôi chó từ năm 2006. Đến nay, cô đã có đến 1.500 con chó và thêm 200 con mèo, tuy nhiên người phụ nữ tháo vát này vẫn tiếp tục nuôi dưỡng những động vật này một cách cẩn thận. Hiện có một vài người tình nguyện giúp đỡ cô trong việc chăm sóc chó và mèo, cũng như nhiều người giúp đỡ về thực phẩm, nhưng với số lượng lớn như vậy, đó là một việc không dễ dàng gì.
 
Người phụ nữ trung niên này đã từ bỏ tất cả vì tình yêu động vật của mình

Khó khăn lại tiếp tục chồng chất với Ha Wenjin, khi mới đây khu đất cô dùng để nuôi nhốt 1.500 con chó và 200 con mèo sẽ bị chính phủ Trung Quốc thu hồi để xây dựng, khiến cô phải tìm nhà mới cho lũ vật nuôi của mình.

Tuy nhiên, Ha Wenjin đã cho thấy sự tháo vát của mình khi nhanh chóng tìm được một khu đất mới, với giá rẻ hơn, đủ rộng để nuôi nhốt toàn bộ số chó mèo của mình. Và quan trọng nhất, khu đất này nằm xa khu dân cư, bởi vì Ha Wenjin thừa nhận, sẽ không hề yêu tĩnh chút nào khi 1.500 con chó sống chung với nhau.

Bây giờ tất cả những gì cô cần làm là tìm những người tình nguyện để giúp mình di chuyển toàn bộ số chó và mèo đến khu đất mới.

Khi được hỏi, cô khẳng định không hề tiếc nuối điều gì vì đã từ bỏ tất cả để chăm sóc cho những loài vật mà mình yêu quý. Hiện cô vẫn tiếp tục thu nhập những con chó và mèo đi lạc vào khu chăm sóc của mình.

Hiện khó khăn lớn nhất mà cô phải đối mặt đó là nguồn kinh phí để chăm sóc các con chó và mèo, đặc biệt khi trung tâm của cô không hề có sự trợ giúp nào từ chính quyền địa phương. Phần lớn thức ăn đều được sự ủng hộ của mọi người sống lân cận, tuy nhiên, Ha Wenjin vẫn cần phải tìm kiếm thêm nhiều nguồn tài trợ khác.

Hình ảnh của Ha Wenjin và bầy chó mèo của mình:

 
Hiện có đến 1.500 con chó đang được Ha Wenjin chăm sóc



Nhiều người tình nguyện giúp đỡ cô chăm sóc lũ chó, mèo


Số lượng những con vật vẫn liên tục tăng lên

 
Đa phần thức ăn đều do người dân ủng hộ

 


Có đủ các chủng loại chó ở đây

 
Bên cạnh chó, cũng có đến 200 con mèo đang được Ha Wenjin nuôi dưỡng và chăm sóc

Nuôi 500 con rắn hổ hèo trong... tủ gỗ

Nuôi 500 con rắn hổ hèo trong... tủ gỗ

Vào nhà ông Lèo, nhìn từ nhà trước đến nhà sau đâu đâu cũng có những cái tủ gỗ có nhiều hộc. Thoạt đầu cứ ngỡ gia đình ông làm nghề cho thuê bát đĩa. Hóa ra mỗi hộc tủ ấy là “nhà” của một con rắn hổ hèo.

Nông dân có mô hình nuôi rắn hổ hèo (còn gọi là rắn gáo trâu) độc đáo này chính là ông Trần Văn Lèo (60 tuổi) ngụ khóm 2 thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Tháng 7/2010 ông Lèo bắt đầu thực hiện mô hình này, ban đầu đàn rắn của ông chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng sau một năm phát triển, ông Lèo đã có trên 500 con rắn thịt, 300 con rắn cái cho đẻ. Mỗi năm doanh thu từ tiền bán rắn thịt và rắn con cũng khoảng nửa tỷ đồng.

Bén duyên từ nghề thu mua động vật hoang dã

Ông Năm Lèo (biệt danh ở xóm) là một lão nông chính gốc ở huyện Tri Tôn. Theo ông Lèo kể lại, ở Tri Tôn khoảng 20 năm về trước các loại đặc sản như: ba ba, rùa, rắn, chim trời,… nhiều vô số kể. Người dân đi đồng bắt được nhiều ăn không hết mang đi bán với giá rất hời. Trong những lần ông đi lên TP Hồ Chí Minh hoặc ngay tại các thành phố giáp với An Giang như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang,… ông nhận thấy các món ăn đó nếu đưa vào nhà hàng đều trở thành đặc sản.
 

Ông Năm Lèo - người đầu tiên ở ĐBSCL nuôi rắn hổ hèo trong tủ gỗ

Thấy có cơ hội làm ăn tốt, ông Lèo bàn với vợ con chuyển đổi mô hình trồng lúa sang thu mua động vật hoang dã bán cho các mối ở các tỉnh ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Ông Lèo kể lại: “Ban đầu vốn liếng ít nên chỉ mua bán nhỏ, dần dà có chút vốn liếng nên mình mua nhiều hơn. Bởi vậy, mấy năm trước tui đã đăng ký kinh doanh nên mới có giấy phép mua bán các loại đặc sản này chứ”.

Hiện tại, cơ sở ông Lèo chuyên thu mua các loại rắn, rùa, ba ba, gà nước, ốc cao,… với đủ loại giá cả. Như riêng về loài rắn có giá thấp nhất là 50.000 đồng/kg đến 4-5 trăm nghìn đồng/kg.
 


Tủ nuôi rắn bên nhà bếp

Theo ông Lèo cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở của ông thu trên dưới 3 tấn các loại; kết thúc một buổi thu mua, ông cho nhân viên phân loại theo trọng lượng của từng loài và chờ thương lái đến cân. Con nào nhỏ, quý, hiếm thì ông thả vào bể, vào chuồng nuôi lại.

Nói về cái duyên đến với nghề nuôi rắn hồ hèo trong tủ, ông Năm Lèo chia sẻ: “Cũng nhờ thằng con nó đi ra tỉnh Bình Thuận chơi, nó thấy người bạn của nó nuôi rắn trong hộc tủ thấy cũng lạ và hiệu quả nên nó dẫn tui ra tận đó để học hỏi. Sau khi tìm hiểu rõ về cách nuôi, tui đã tận dụng con giống từ việc thu mua rắn của bà con tiến hành nuôi thử. Thấy đạt và phát triển luôn tới giờ”.


“Vua” nuôi rắn hổ hèo trong tủ gỗ

Đi khắp các tỉnh ĐBSCL, chưa có một người nào dám thực hiện mô hình nuôi rắn trong tủ gỗ như ông Năm Lèo. Bởi vậy, người dân địa phương và những người bắt đầu học nghề nuôi rắn ở ĐBSCL vừa cảm phục, vừa tôn ông Năm Lèo là vua rắn hổ hèo.

Quan sát trong căn nhà rộng khoảng 400m2 của ông Lèo, chúng tôi thấy đâu đâu cũng có những cái tủ bằng gỗ được dựng sát vách tường. Mỗi tủ có chiều dài từ 2 - 4m, mặt sau được đóng kính, mặt trước chia thành nhiều hộc nhỏ có cửa riêng biệt. Mỗi hộc tủ có chiều ngang 30 cm, chiều sâu 50 cm.
 

Khoảng 30 - 40 ngày tới ông Năm Lèo sẽ có thêm khoảng 1.000 con rắn con
Nếu tính hết các tủ ở đây thì có trên 1.000 hộc tủ. Nhưng ông Lèo chỉ sử dụng 500 hộc tủ để nuôi rắn; 500 hộc tủ còn lại là “căn nhà dự bị” của đàn rắn khi thực hiện việc vệ sinh chuồng trại. Ngoài ra, để rắn không bị trầy xước khi lột da, hộc tủ nào cũng được lót thảm; cứ 3 - 4 ngày ông lại mang thảm đó ra giặt giũ, phơi khô.

Nói về tính hiệu quả của cách nuôi độc đáo này, ông Lèo cho biết: “Nuôi theo mô hình này tuy tốn kém hơn cách nuôi trong bể, nhưng được cái là mình tiết kiệm được diện tích và có thể nuôi ngay trong nhà ở của mình. Cái tiện lợi thứ 2 là con nào bỏ ăn hay bệnh là mình nhận biết ngay vì mỗi con sống riêng một hộc tủ, không lẫn lộn với con khác. Cũng vì ưu điểm này mà tỷ lệ hao hụt giảm, giúp người nuôi có lời”.

Ban đầu ông Năm Lèo chỉ nuôi thử nghiệm trên chục con rắn hổ hèo, dần dà thấy có hiệu quả nên tháng 7/2010 ông Lèo cho đóng thêm 30 cái tủ nữa để nuôi thêm 500 con rắn hổ hèo. Sau hơn 8 tháng nuôi, đàn rắn của ông có trọng lượng trung bình từ 800g - 1,5kg. Ngoài ra, ông Lèo còn sở hữu 300 con rắn cái chuyên cho đẻ trứng và ông cũng đang cho ấp 2.000 trứng rắn. Ông Lèo khoe khoảng 30 - 50 ngày nữa là ông đã có trên 1.000 con rắn con.
 
Tủ rắn đặt ngay cạnh giường ngủ
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, rắn hổ hèo thịt được chia thành 3 loại, giá từ 450.000 đồng/kg (loại 3) đến 700.000 đồng/kg (loại 1). Do loài rắn hổ hèo dễ nuôi, mau lớn nên người dân ĐBSCL nuôi ồ ạt, khiến con giống trở nên đắt đỏ. Ông Lèo cho biết, cơ sở của ông bán 1 con rắn hổ hèo 3 ngày tuổi với giá 270.000 đồng/con mà vẫn không đủ cung.
Trao đổi với Dân trí về mô hình nuôi rắn hổ hèo có một không hai của ông Lèo, Thạc sĩ Trần Văn Mì - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn nhận định: “Bấy lâu nay, chúng ta chỉ nghe nói đến việc nuôi rắn trong bể, trong ao hoặc thả vườn,… chứ chưa nghe nói đến việc nuôi rắn trong tủ. Bởi vậy, mô hình nuôi rắn trong tủ gỗ của ông Lèo được xem là mô hình đầu tiên ở ĐBSCL. Về hiệu quả thực tế của mô hình này như thế nào thì Phòng Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục theo dõi để có đánh giá xác thực trước khi nhận rộng cho bà con nông dân”.

Bò quỳ gối khóc khi lên bàn mổ

Bò quỳ gối khóc khi lên bàn mổ

Một nhóm công nhân đã đem một con Bò tới một nhà máy sản xuất bao bì, và mọi người đã được sẵn sàng để mổ con Bò làm bít tết và thịt bò hầm.
 
Chú bò nước mắt chảy dài khi bị đưa vào lò mổ

Khi họ đến gần cửa trước của lò mổ, con Bò với nét mặt thật buồn bã đột nhiên đứng khựng lại, nhất định không tiến thêm bước nữa, rồi quỳ hai chân trước xuống, và đôi mắt của nó thì nước mắt chảy ra thành dòng.

Làm thế nào có thể con Bò đã nhận thức được rằng nó sẽ bị làm thịt trước khi vào lò mổ? Điều này cho thấy rằng nó còn có tính linh nhiều hơn người. "Khi tôi chứng kiến cảnh tượng một động vật luôn được cho là ngu ngốc thực sự khóc, và khi tôi thấy tận mắt đôi mắt của nó dấy lên sự sợ hãi và buồn rầu, thi` tôi không khỏi rùng mình.", người bán thịt Shiu Tất-Nin thực sự xúc động trước cảnh tượng này, nhớ lại và nói tiếp:"Tôi lập tức gọi những người bạn khác đến xem, và họ đã ngạc nhiên như chính tôi và tất cả chúng tôi cùng hè nhau đẩy và kéo con Bò, nhưng nó đã ghì lại va nhất định không di chuyển, nó chỉ quỳ đó khóc liên tục."

Billy Fong, ông chủ của nhà máy bao bì Hồng Kông cho biết,"Nhân loại đã luôn luôn nghĩ rằng động vật không giống như loài người có thể khóc, nhưng con Bò này thực sự đã khóc nức nở như một đứa trẻ!"

Vào thời điểm đó đã có ít nhất cả chục người đàn ông mạnh mẽ, lực lưỡng có mặt tại chỗ, và họ đã thực sự xúc động trước những giọt nước mắt của con Bò, và những người co’ nhiệm vu. mổ con Bò này cũng xúc động không kém, nước mắt của ho cũng tuôn trào.

Con Bò vẫn tiếp tục khóc không ngừng!

Khi công nhân từ các lò mổ khác nghe tin, họ cũng chạy đến xem Bò khóc và quỳ, và trên trang web nhanh chóng được thông báo và đông đảo người xem đã kinh ngạc trước những gì họ nhìn thấy. Có ba người trong số đó đã xúc động mạnh và họ nói rằng từ bây giờ, ngay cả khi họ giết mổ các loại động vật khác, họ sẽ không bao giờ quên được những giọt nước mắt của con Bò này.

Trước tình huống như thế, không một ai nỡ đem Bò đi giết nữa nhưng họ không biết làm cách nào để giải quyết vấn đề này ! Cuối cùng thì họ đã quyết định mua lại con bò bằng tiền mặt, và sau đó đem gửi một ngôi đền Phật giáo để nuôi dưỡng và chăm sóc, để con Bò có thể yên tâm sống một cuộc sống hòa bình.

Sau khi mọi người đưa ra quyết định này thì một điều lạ lùng đã xảy ra một lần nữa, một người đã cho biết: "Khi biết chắc rằng sẽ không bị giết nữa, con Bò cuối cùng đã đồng ý di chuyển, nó đã đứng dậy chịu đi, và bây giờ nó đang o đây với chúng tôi."

Làm thế nào một con Bò có thể hiểu từ ngữ của con người? Shiu nói:"Cho dù bạn có tin hay không, nhưng sự kiện này thực sự đã xảy ra, mặc dù nghe có vẻ hoang tưởng, phải không?"

Và một điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là con Bò này đã thay đổi cuộc sống của những người hàng thịt.

Trung Quốc: Xe sang dàn hàng đón chó Ngao

Trung Quốc: Xe sang dàn hàng đón chó Ngao

16h30 chiều 15/11, hơn 100 người đã tập trung trước nhà ga huyện Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc để trông ngóng sự xuất hiện của hai “vị khách quý”.

Họ đã đến đây cùng một dàn xe 20 chiếc đủ các hãng sang trọng Audi, BMW, Mercedes… chiếc xe nào cũng được đính ruy băng đỏ, thoạt nhìn ai cũng nghĩ đây là đoàn rước dâu nào đó.

Tuy nhiên, không lâu sau, một cô gái đi ra, tay giơ cao tấm biển với nội dung nghênh đón, lúc ấy, những người hiếu kỳ xung quanh mới té ngửa, té ra “khách VIP” mà đoàn người kia nghênh đón là…hai chú chó ngao Tây Tạng! Màn tiếp đón hoành tráng ấy còn được tiếp tục bằng việc đốt pháo, không khí vô cùng rộn ràng!

 
Hai chú chó ngao được nghênh đón bằng cả xe sang và mỹ nữ!

Ra đón hai chú chó này là một người đàn ông họ Vương, ông cho biết, hai chú chó này được đưa về từ huyện Ngọc Thụ, tỉnh Thanh Hải. Chúng là của nhà nước và được đưa đến Trịnh Châu để phối giống với hai con chó cái ở đây.
Ngao Tây tạng là một loài chó vốn được người Tây Tạng nuôi và huấn luyện để bảo vệ gia đình và súc vật của họ, đây là loài chó nổi tiếng lì lợm, dũng mãnh và hết mức trung thành. Những năm gần đây, ngao Tây Tạng thường này được đưa từ vùng cao nguyên xa xôi đến để làm thú cưng của những đại gia chịu chơi chốn phồn hoa đô thị.
Giá của chó ngao Tây Tạng lên đến hàng triệu NDT- bằng lương của một lao động phổ thông ở Trung Quốc trong vòng … 100 năm!

Trong suy nghĩ của các đại gia Trung Quốc, sở hữu một chú chó Tây Tạng cũng không khác gì có được một chiếc xe siêu sang trên thị trường thế giới, hay ngang ngửa với việc tậu được một khu biệt thự hạng sang tại thành phố. Đối với họ, đã có tiền là phải có chó ngao, giống như kiểu đã là đại gia thì phải có chân dài!

 
Nuôi ngao Tây Tạng hiện là "mốt" của đại gia Trung Quốc.

Chuyện “xe sang nghênh đón chó” đã từng xảy ra vài lần ở Trung Quốc. Tháng 9/2009, một đại gia ở Thiểm Tây đã cho 30 chiếc xe sang đến sân bay Hàm Dương để đón chú chó Tạng Khiết trị giá 4 triệu NDT mới mua từ Tây Tạng. T háng 2/2010, lại thêm môt đại gia tỉnh Hà Nam điều hẳn 40 chiếc xe để nghênh đón thú cưng mới – một chú cho mua từ nước ngoài với giá 1,8 triệu NDT, đại gia này rất chịu chơi khi thuê hẳn một dàn xe Audi, có kết nơ trên mỗi đầu xe và bố trí thêm một đội trống kèn rước vừa đi vừa thổi dọc đường cho vui!

 
Đây không phải là lần đầu tiên ngao Tây Tạng được "nghênh tiếp trọng thị" như thế này.

Những sự việc này chưa bao giờ được hưởng ứng tại Trung Quốc, sau những giây phút hiếu kì, đa phần người dân đều tỏ ra rất phẫn nộ. Trong câu chuyện về đại gia Thiểm Tây đón chó bằng dàn xe 30 chiếc, tờ Nhân dân nhật báo đã lên tiếng chỉ trích nặng nề hành động phô trương này. Bởi lẽ, thứ nhất, trong thời buổi tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải, việc dùng đoàn xe 30 chiếc để đón một con chó là một điển hình làm ô nhiễm môi trường; thứ hai, việc này cũng làm trầm trọng thêm tình trạng ách tắc giao thông; và thứ ba, quan trọng nhất, tờ báo này đả kích: “Dùng cái trò bề ngoài nhằm đề cao giá trị con chó nhưng thực ra là để tự huyễn mình, là một điển hình của sự vô đạo đức".
 
Năm 2009, tại Thiểm Tây, một dàn xe 30 chiếc đã được huy động cũng chỉ để đón chó ngao!

Trở lại với vụ 20 chiếc xe đón hai chú ngao Tây Tạng ở Trịnh Châu, tuy đây là chó “của công” chứ không phải của đại gia nào, nhưng rút cuộc việc phô trương trong màn “nghênh đón’” cũng khiến người dân cực kì khó chịu.

Một người đàn ông họ Thái bức xúc: “Bây giờ những người có tiền đều có vấn đề hết rồi, tuy rằng hai chú chó này rất quý, nhưng đâu đến mức phải đón rước một cách phô trương đến mức kệch cỡm như vậy?”

Một phụ nữ họ Hàn lại cho rằng: “Chuyện đón chó chỉ là cái cớ thôi, mục đích chính là để một số người khoe giàu”.
Nhìn nhận về sự việc, tờ Đông phương kim báo đã viết đầy chua chát: “Hai chú chó này đến từ huyện Ngọc Thụ, tỉnh Thanh Hải – nơi mà tháng 4 năm ngoái đã đã xảy ra trận động đất kinh hoàng, làm hơn 2000 đồng bào mất đi sinh mạng, 200.000 người lâm vào cảnh khốn đốn, thiệt hại vẫn chưa thể ước tính. Đến nay, sau tai họa ấy, Ngọc Thụ vẫn đang cố gắng phục hồi từng bước, đó mới là nơi đáng được quan tâm, là nơi cần sự đồng tâm hiệp lực, sự giúp đỡ, cứu trợ để những nạn nhân có thể dựng lại mái nhà. Những người “khoe giàu” đáng ra nên đến nơi ấy, chứ không phải ở đây dùng xe sang để nghênh đón những con chó ngao đến từ vùng bị nạn, rồi để đóng cho mình cái mác “đại gia”!

Những chú chó cực tinh khôn giá "khủng" ở Việt Nam

Những chú chó cực tinh khôn giá "khủng" ở Việt Nam

Một chú chó con vừa đẻ ra có thể có giá tới 1000$ (20 triệu), chó trưởng thành được trả tới cả trăm triệu đồng.

Giá tiền cho một chú chó con vừa sinh là từ 10 đến 20 triệu đồng, tùy giống

Mỗi chú chó cần được huấn luyện theo giáo trình 6 tháng, học phí khoảng 1,5 triệu đồng / tháng

Sau khi được dạy dỗ, chúng có thể làm mọi việc, từ việc vặn vòi nước đến lấy bao diêm...

Từ việc đóng cửa đến mở cửa, thay tã cho em bé, dắt người mù qua đường, trấn áp tội phạm...

Nếu chủ ra lệnh phải trông một đồ vật nào đó, chúng sẽ nằm im bên cạnh đồ vật đó. Nắng mưa vẫn nằm, bao nhiêu lâu vẫn nằm, chỉ đến khi chủ bảo thôi mới thôi

Mặc dù đắt đỏ như vậy nhưng những chú chó này không "ăn sang" như lầm tưởng. Một chủ chó xác nhận chúng không bao giờ đòi hỏi, cho gì ăn lấy, kể cả cơm không. "Chó không chê chủ khó, câu này rất đúng với chó berger", người này xác nhận.

Chú chó con này quá mệt với chuyến đi xa từ tận Hà Nội xuống. Chú chó 2 tháng tuổi, nặng khoảng 8kg

Chó đẹp là có chân to, đuôi chạm đất, tai to và vểnh, dáng đi uyển chuyển, thông minh... chú chó ở trên hội tụ đầy đủ yếu tố, 11 tháng tuổi, nặng 35kg, có giá koảng 160 triệu đồng nhưng chủ nhân không bao giờ bán

Chó berger nổi tiếng trung thành và rất quý trẻ con. Hầu như chúng không bao giờ cắn trẻ con cũng rất ít sủa và cắn bậy. Chúng chỉ cắn khi chủ ra lệnh, khi có ai mang đồ trong nhà đi hoặc có ai đó đánh hà hiếp chủ của mình

Hầu hết các chú chó này không ăn thức ăn từ người lạ. Chỉ ăn thức ăn từ chủ của mình hoặc chủ cho phép ăn mới ăn.

Ếch “tuyệt chủng” từ cõi chết trở về

Ếch “tuyệt chủng” từ cõi chết trở về

Một loài ếch được cho là đã tuyệt chủng đã xuất hiện trở lại ở miền bắc Israel.

Omri Gal làm việc cho Cơ quan Công viên và Thiên nhiên của Israel cho biết hôm 17/11 Hula Painted, loài ếch bị tuyên bố đã tuyệt chủng cách đây 50 năm vừa được nhìn thấy.


“Việc tái xuất hiện Hula Painted thật đáng ngạc nhiên và bây giờ chúng ta có cơ hội thứ 2 để bảo vệ loài này”, Omri Gal nói.

Hula Painted là loài ếch bản địa của thung lũng Hula. Đây là loài rất hiếm ngay cả trước khi bị tuyên bố tuyệt chủng và có rất ít tài liệu ghi chép về loài này. Trong những năm 1940, xuất hiện ếch cannibal ăn thịt đồng loại đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng của Hula Painted.

Yêu động vật (Theo báo Đất Việt/AP)

Nhiều loài mèo quý hiếm ở Indonesia có thể tuyệt chủng

Nhiều loài mèo quý hiếm ở Indonesia có thể tuyệt chủng
Những con mèo quý hiếm ở Indonesia đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nạn phá rừng, Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) công bố hôm qua.

Mèo rừng châu Á là một trong năm loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh: WWF)

WWF khảo sát ở Bukit Tigapuluh đã chụp lại hình ảnh những con mèo quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng tại khu rừng ở đảo Sumatra, Indonesia, nơi diện tích rừng đang suy giảm nghiêm trọng như mèo rừng châu Á, mèo vằn cẩm thạch, mèo vàng và mèo rừng.

Chúng được tìm thấy trong một hành lang rừng không được bảo vệ ở giữa rừng Bukit Tigapuluh và nơi trú ẩn của động vật hoang dã Rimbang Baling ở tỉnh Riau, Indonesia. Khu vực này đang bị đe dọa phá rừng để trồng cây công nghiệp.

"Bốn trong số năm loài mèo đang được bảo vệ theo quy định của chính phủ Indonesia và được liệt kê vào danh sách những loài có nguy cơ tuyệt chủng trong sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)", Karmila Parakkasi, điều phối viên của Nhóm nghiên cứu hổ WWF - Indonesia nói trên Livescience.

Cuộc khảo sát này kéo dài 3 tháng dọc theo hành lang rừng ở Indonesia để sưu tầm 404 bức ảnh về những con mèo hoang.

Về Bản Qua ngắm đàn cò hoang dã

Về Bản Qua ngắm đàn cò hoang dã

Tháng 11 rất nhiều đàn chim hoang dã và cò rừng bay về và chúng đã ở lại trên đồng đất Bản Qua.

Tháng 11 rất nhiều đàn chim hoang dã và cò rừng bay về và chúng đã ở lại trên đồng đất Bản Qua, Phìn Ngan… của huyện Bát Xát (Lào Cai) để tránh cái rét phương bắc.

Đó là tín hiệu vui về môi trường sinh thái của vùng đất thượng nguồn sông Hồng. Khác những nơi hễ thấy chim thú bay về là tìm cách đánh bẫy để bán cho nhà hàng làm món đặc sản, bà con người Dao, người Giáy… ở Bát Xát đã có ý thức rất cao bảo vệ chim thiên nhiên. Vì thế, đàn cò hàng trăm con ở cánh đồng Bản Qua vẫn được bảo tồn và phát triển nhiều hơn năm trước.

Chẳng thế mà khi chúng tôi đến chụp ảnh đàn cò đang kiếm mồi trên cánh đồng Bản Vền (Bản Qua), đã có người nhắc nhở không được làm ầm ĩ, kẻo chúng bay đi khỏi địa phương. Thật là hành động đáng biểu dương.

Xin giới thiệu một vài hình ảnh về những đàn chim hoang dã, đàn cò thiên nhiên ở Bát Xát.





Phát hiện tổ khủng long con ở Mông Cổ

Phát hiện tổ khủng long con ở Mông Cổ

Các nhà khoa học vừa phát hiện tổ khủng long con ăn thực vật bị cát vùi lấp ở Mông Cổ.

Theo tờ Journal of Paleontology, một tổ khủng long có tên Protoceratops andrewsi niên đại 70 triệu năm tuổi vừa được phát hiện bằng chứng 15 cá thể khủng long con chưa trưởng thành.

Trong số lượng lớn những quả trứng chứng tỏ mối liên hệ với những loài khủng long khác như loài khủng long ăn thịt Oviraptor hoặc những loài khủng long mỏ vịt sau khi phát hiện quần thể khủng long hóa thạch đa loài trong cùng một tổ là khá hiếm hoi.

Ông David Fastovsky, trưởng khoa nghiên cứu về đất thuộc trường ĐH Rhode và cộng sự đã phân tích những hóa thạch khủng long vừa được tìm thấy, đã đo được đường kính của tổ khoảng 60cm.

Tổ khủng long hóa thạch này đã được phát hiện tại Tugrikinshire (Mông Cổ), nơi được cho là cát vùi lấp nhanh và đã chôn vùi những con khủng long con này trong khi chúng vẫn còn đang sống.


Phát hiện xương hóa thạch của tổ khung long con. (Ảnh: Discovery)

Sau quá trình tìm hiểu, các nhà nghiên cứu kết luận, tất cả 15 con khủng long đều có đặc điểm chưa trưởng thành. Những con khủng long này có mồm ngắn, hai mắt to tương xứng và không có đặc điểm trưởng thành nhưng có những cái sừng nhô lên và có những điểm xếp nếp lớn mà chỉ có loài khủng long trưởng thành mới có.

Dựa vào những mẫu phân tích, các nhà khoa học khẳng định quần thể khủng long được tiềm thấy là loài khủng long ăn thực vật tồn tại và lớn lên trong tổ ít nhất trong giai đoạn đầu mới mới sinh.

“Những ổ trứng lớn có thể là cách đảm bảo sự sống sót của các loài động vật trong thế giới thự nhiên vì có sự chăm sóc và bảo vệ kỹ lương của bố mẹ. Hơn nữa, Mông Cổ vào thời điểm đó là nơi có nhiều loài khủng long ăn thịt lớn chuyên “săn lùng” ăn những con khủng long con ăn thực vật”, thầy Fastovsky phân tích.

Tổ khủng long này hiện đang được lưu trữ tại Trung tâm Paleontological thuộc Viện Nghiên cứu khoa học Mông Cổ ở Ulan Baatar, (Mông Cổ).

Tê giác đen Tây Phi cũng đã tuyệt chủng

Tê giác đen Tây Phi cũng đã tuyệt chủng

Mới đây, Sách đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã hoàn thành việc cập nhật thường niên danh sách những loài động, thực vật bị đe dọa, qua đó hé lộ bức tranh khá ảm đạm về tình trạng của nhiều loài trên thế giới.

Tê giác đen Tây Phi được công bố tuyệt chủng (Ảnh: Treehugger.com)

Bản danh sách cho thấy một con số đáng báo động: khoảng 40% loài bò sát sống trên cạn ở Madagascar đang nằm trong tình trạng bị đe dọa. Theo nhận định của Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động, Thực vật Hoang dã (TRAFFIC) chính hoạt động buôn bán trái phép diễn ra tràn lan ở nhiều quốc gia đã đe dọa sự sống của nhiều loài bò sát.

Tình trạng ấy nếu không được kiểm soát sẽ làm xói mòn thành quả từ phía các khu bảo tồn chuyên bảo vệ những loài bò sát như tắc kè hoa Calumma tarzan, tắc kè hoa Calumma hafahafa, thằn lằn bóng Paracontias fasika…

Bên cạnh đó, bản cập nhật Sách Đỏ cũng tiến hành đánh giá 26 loài lưỡng cư mới được phát hiện gần đây. Theo đánh giá thì loài ếch độc Ranitomeya benedicta và ếch độc Ranitomeya summersi lần lượt được liệt vào danh sách dễ bị tổn thương và loài nguy cấp do mất nơi cư trú và bị săn bắt phục vụ cho thị trường buôn bán “thú cưng” quốc tế.

Đáng chú ý, nạn săn trộm tê giác hiện đang tiếp diễn đe dọa làm suy giảm số lượng của nhiều phân loài cũng được phản ánh rõ nét qua Sách Đỏ. Riêng ở Nam Phi, tình trạng săn trộm đã khiến tê giác bị tàn sát mức kỷ lục, chủ yếu vì nhu cầu dùng sừng tê giác làm thuốc tại nhiều quốc gia châu Á mà điển hình là Việt Nam. Và chưa đầy 3 tuần sau sự kiện tuyệt chủng của tê giác Java tại Việt Nam, Sách Đỏ mới cập nhật của IUCN khẳng định tin buồn về sự ra đi vĩnh viễn của loài tê giác đen Tây Phi (Diceros bicornis longipes).

Đánh giá của IUCN cho biết tuy nhìn trên tổng thể, số lượng các quần thể tê giác đen và tê giác trắng đang gia tăng, nhưng một số phân loài chính của chúng lại đặc biệt dễ bị tổn thương bởi nạn săn trộm. Cùng với sự tuyệt chủng của tê giác đen Tây Phi, Sách Đỏ còn đánh giá rằng tê giác trắng miền Bắc Trung Phi (Ceratotherium simum cottoni) cũng đang nằm bên bờ vực tuyệt chủng, và có thể đã tuyệt chủng trong tự nhiên.

Về phía thực vật, mặc dù chưa được đánh giá nhiều, song bản cập nhật Sách đỏ cũng đã cho thấy rõ một số loài thực vật đang rơi vào tình trạng suy giảm ngày càng trầm trọng.

Khai thác quá mức đã thu hẹp đáng kể quần thể cây Taxus contorta, đưa chúng vào diện nguy cấp thay vì mức độ dễ bị tổn thương như trước đây. Hay những loài như dừa Coco de Mer ở Seychelles cũng đang bị suy giảm số lượng trông thấy trước sự nổi lên của thị trường chợ đen thu mua và buôn bán hạt cây bất chấp sự thắt chặt quản lý từ phía các cơ quan chức năng.

Xúc động cuộc cứu mạng mẹ con voi khỏi đầm lầy

Xúc động cuộc cứu mạng mẹ con voi khỏi đầm lầy

Tại Zambia đã diễn ra một cuộc giải cứu mẹ con voi đầy xúc động. Đây có lẽ là khoảnh khắc rất tuyệt vời, là sự ứng xử đẹp của con người với thiên nhiên.

Một con voi nhỏ đã bị sụt xuống bùn khi cùng đàn băng qua đầm lầy ở vùng Kapani Lagoon. Voi mẹ đã cố gắng cứu con, nhưng cuối cùng cũng bị sa nốt xuống bùn đen.

May mắn, đang trong lúc cận kề sinh tử, những nhân viên của khu bảo tồn đã phát hiện ra sự nguy khốn của mẹ con nhà voi. Với sợi dây thừng và sức người, họ đã giải cứu được chú voi con. 

Đàn voi đã không thể cứu được hai mẹ con đồng loại.

Voi mẹ quá nặng, sức người không kéo nổi. Những nhân viên của khu bảo tồn đã huy động chiếc máy kéo để hỗ trợ giải thoát nốt cho voi mẹ.

Những hình ảnh về cuộc giải cứu mẹ con nhà voi đã gây xúc động toàn thế giới, là bài học giáo dục tình yêu thiên nhiên rất tuyệt vời.

Với sự trợ giúp của con người, hai mẹ con nhà voi đã được cứu sống.

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Thú chơi thủ cấp nai cà tông

Thú chơi thủ cấp nai cà tông

Tương tự  nhiều loài thú xuất thân từ rừng núi như hổ, gấu, báo, mèo rừng…, loài nai cà tông đang rên siết vì bị cánh phường săn tầm nã ráo riết. Sừng nai cà tông khi uốn chẻ thành nhiều nhánh trông vừa uy dũng lại kiêu sa. Chính điều này đã thúc đẩy nhiều đại gia vung tiền mua “thủ cấp” nai cà tong để bày biện trong tư gia nhằm khẳng định đẳng cấp. 

Tự sự của tay chơi

Sau nhiều lần gạ gẫm, chúng tôi được một tay chơi thủ cấp tên “K. mãnh thú” đưa đến quận 12, để được tận mắt chiêm ngưỡng cái đầu nai cà tông thứ 2 mà ông ta vừa tậu được. Theo bỏ nhỏ của ông K., trước kia ông chủ yếu sưu tầm “thủ cấp” các loài hổ, báo, gấu… Nhưng cách đây 2 năm, sau lần ghé thăm người bạn ở Tây Nguyên thì ông chuyển sang sưu tầm “thủ cấp” nai cà tông. “Tôi chuyển hướng bởi nhận thấy đầu sừng của loài nai cà tông hội tụ nhiều yếu tố như hoang dã, sang trọng, có phần ma quái… Không chỉ thể hiện đẳng cấp mà nó còn mang lại nhiều may mắn, hanh thông cho gia chủ khi treo trong nhà” – ông K., tâm đắc.


Đầu sừng nai cà tông và nhiều loài thú hoang khác được Chi cục kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng tịch thu trong một đợt truy quét các nhà hàng, quán nhậu đặc sản

Ngắm chiếc đầu nai cà tông treo trên tường trong phòng khách, ông K. cho hay, lông nai cà tông mịn và mềm mại như tấm thảm xứ Ba Tư, thường có màu hung đỏ hoặc màu vàng rất sang trọng. Phải công nhận rằng cái thủ cấp nai cà tông của ông K. rất quyến rũ với cặp sừng nhọn, hình vòng cung hướng về phía trước đỉnh đầu, các nhánh ở ngọn sừng xòe chĩa ra như những ngọn giáo mà loài này sử dụng trong những lúc giao chiến tranh giành con cái vào mùa giao phối, hoặc để tấn công các loài thú ăn thịt khi tính mạng bị nguy cấp.

Để có được cái đầu nai cà tông kia, ông K., bật mí phải chi hơn 50 triệu đồng: “Giá thị trường mỗi cái thủ cấp nai cà tông dao động từ 20-50 triệu đồng, có khi hơn tùy lớn nhỏ và độ mỹ thuật”-tay chơi lắm tiền, khoe mẽ: “Sở dĩ tôi chi đậm vì được tận mắt chứng kiến cảnh cánh thợ săn cắt lìa đầu con vật tại giữa rừng ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Chơi hàng vừa lìa khỏi cổ tốn kém một chút nhưng được cái là chắc cú, hổng lo xài đỏ dỏm”.

Thị trường sôi động

Để tận tường thú chơi thủ cấp nai cà tông của các đại gia thích thể hiện như ông K., chúng tôi tiếp tục dò hỏi và bắt liên lạc với một tay buôn tên Sáu. Qua địên thoại, gã khoe cần bao nhiêu thủ cấp nai cà tông cũng sẵn sàng cung ứng, miễn là khách chịu chi. Chúng tôi đề nghị xem hàng rồi mới xúc tiến việc giao dịch, Sáu hẹn gặp tại một quán nước ở khu vực Ngã tư Bình Phước ( quận Thủ Đức, TPHCM). Tại đây, thấy khách tỏ vẻ khó chịu vì không xem được đầu nai cà tông bằng xương bằng thịt, Sáu nhăn nhở cười giải thích rằng đầu sừng nai cà tông là hàng cấm nên chỉ cho khách xem qua hình ảnh, nếu muốn mua thì đặt tiền cọc hắn sẽ chở tới tận nơi tha hồ mà xem.


Sừng nai cà tông được rao bán tràn lan

Chúng tôi hỏi Sáu nguồn gốc của những chiếc đầu nai cà tông trong ảnh, gã úp úp mở mở rằng “hàng” được sưu tầm từ một tay chơi ở Đắk Lắk và từ người nhà săn bắt được?! Xâm nhập vào thế giới thủ cấp nai cà tông, chúng tôi ghi nhận không khí săn lùng tích cực của cánh phường săn, giới con buôn và dân chơi thủ cấp. Hảo, một con buôn đồ rừng thứ dữ ở quận Tân Bình, bỏ nhỏ rằng thủ cấp nai cà tông có giá trị kinh tế cao nên thị trường nảy sinh thủ cấp dỏm với bộ sừng được đúc bằng nhựa tổng hợp. Hảo khuyên chúng tôi đừng mua đầu nai cà tông giá rẻ vì đó thường là đồ dỏm. “ Hàng của tui được săn từ biên giới nước bạn như Trung Quốc, Campuchia và trong các cánh rừng cấm ở Tây Nguyên nên không lo bị lừa” – tay buôn hùng hồn, tuyên bố.

Làm sao còn đường sống?

Thị trường thủ cấp nai cà tông sôi động bao nhiêu thì số phận của loài này hẩm hiu bấy nhiêu. Một cán bộ ở Chi cục kiểm lâm TP Hồ Chí Minh cho biết, trên thế giới, số lượng nai cà tông không còn nhiều. Riêng tại Việt Nam, số lượng nai cà tông ước tính chỉ còn vài trăm con và con số này đang giảm dần do nạn  săn bắn quá mức, nạn khai thác rừng làm môi trường sinh sống của loài này bị thu hẹp.

Sách đỏ Việt Nam đề nghị biện pháp bảo vệ loài nai cà tông như cấm tuyệt đối việc săn bắn, đưa một sô cá thể về nuôi ở vườn thú và các vườn quốc gia để thuần dưỡng, nhân giống vì loài này được xếp vào nhóm E ( nhóm có nguy cơ tuyệt chủng). Nhưng điều đó không thể cứu nguy được cho nai cà tông bởi luật không đề cập đến việc xử lý các tay chơi thủ cấp của loài này. Khi không bị chế tài thì những kẻ gián tiếp gây nên tình trạng thảm sát nai cà tông không biết sợ. Bằng chứng là họ vẫn ồ ạt lao vào các phi vụ giao dịch và vô tư trưng bày, khoe mẽ thủ cấp nai cà tông trong tư gia dẫu biết rằng loài này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt diệt. Đang sầu đời cho số phận nai cà tông thì chúng tôi nhận được tin nhắn mời đến chung vui của ông S., một tay chơi lắm tiền nhờ mấy phi vụ mua bán đất dự án. Ông này cho biết vừa tậu được nguyên con nai cà tông đang mang thai. “ Cùng với cái thủ cấp, hà nàm của con cà tông này mới thực sự là thứ dữ” – ông S., hớn hở khoe và giải thích: “Hà nàm” là bào thai, nếu đem ngâm rượu hay thẻo hầm thuốc Bắc để bồi bổ thì quỷ khóc thần sầu. Cái món hà nàm đặc biệt rất công hiệu với các ông lâm vào thời kỳ trên bảo dưới không nghe”…Chao ơi, người ta vì sự ngu muội, ăn chơi kiểu ấy, kiểu “sát” cả mẹ lẫn con thì hỏi sao loài nai cà tông….. còn đường sống?

Nai cà tông là loài thú có tên trong Sách đỏ Việt Nam, trọng lượng từ 95-100kg, toàn thân lông mềm, màu hung đỏ hoặc vàng hung, hai bên có các vệt màu vàng nhạt. Con đực có sừng 4-5 nhánh, các nhánh ở ngọn sừng xòe ra như bàn tay 3-4 ngón. Loài này sống ở vùng rừng thưa, rừng thứ sinh, rừng có nhiều đồng cỏ bằng phẳng ở độ cao 500-600 mét so với mặt biển. Thường thấy nai cà tông ở các tỉnh Kon Tum ( Sa Thầy), Đắk Lắk ( Đắk Min; Easúp; M’Đrắc), Lâm Đồng ( Bảo Lộc)… Loài này sinh sống theo đàn 5-10 con, mùa giao phối thường vào tháng 3, tháng 4 và thời gian mang thai khoảng 8 tháng, mỗi lần chỉ đẻ một con.
Yêu động vật (Theo CAO)