Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Phận tê giác xứ mình!

Phận tê giác xứ mình!

Trong khi tê giác Java tại Việt Nam bị săn bắn trộm dẫn đến tuyệt chủng thì tại Indonesia, đàn tê giác đã tăng lên 60 con.

Tháng 4 năm 2010, con tê giác Java – loài động vật cực kỳ quý hiếm đang trên đà tuyệt chủng trên thế giới được phát hiện chết dưới một vũng bùn tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ban đầu, người ta hùng hồn khẳng định rằng con tê giác này chết… tự nhiên.
Mãi khi các tổ chức quốc tế tới kiểm tra, khám nghiệm, phát hiện một viên đạn còn mắc lại trong bộ xương, những người có trách nhiệm phải thừa nhận: Tê giác Java tại Việt Nam chết là do bị bắn.

Và mới đây, dù đã lường trước nhưng dư luận vẫn bàng hoàng, sửng sốt khi tổ chức WWF tuyên bố loài tê giác Java tại Việt Nam đã chính thức tuyệt chủng.


Tê giác Java tại Việt Nam đã tuyệt chủng.
 
Còn nhớ cách đây chưa lâu, tôi gặp GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam tại cuộc Hội thảo Quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn sông Đồng Nai – Trường hợp thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, ông cho biết trong lịch sử, loài tê giác Java đã từng có địa bàn phân bố khá rộng suốt từ Trung Quốc trải qua vùng rừng núi các nước trong khu vực Đông Nam Á sang Ấn Độ. Tuy nhiên, những năm gần đây, trên thế giới, loài tê giác này chỉ còn ghi nhận ở hai nơi: Vườn quốc gia Cát Tiên của Việt Nam và một số đảo ở Indonesia. Đây là loài đông vật cực kỳ quý hiếm đang có nguy cơ biến mất trên thế giới.

Lúc đó, tôi chợt nhận thấy trên nét mặt GS. Đặng Huy Huỳnh ánh lên những nét đầy tự hào. Cũng dễ hiểu, bởi các nhà động vật học trên thế giới biết tới Việt Nam là nhờ hình ảnh những con tê giác Java được phát hiện tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Tuyên bố Việt Nam có một quần thể tê giác Java tại Vườn Quốc gia Cát Tiên đã gây chấn động giới động vật học trên thế giới. 

 


Voi Beckham tại Đà Lạt bị sát hại để lấy ngà và đuôi
 

Cũng theo GS. Huỳnh, tại Việt Nam, vào những năm 1970 – 1980, theo tính toán của các nhà động vật học, Vườn quốc gia Cát Tiên có khoảng 17 – 18 con tê giác. Sau năm 1990, tê giác Java tại đây chỉ còn 7 - 10 con. Năm 1997, các nhà khoa học ghi nhận khu vực này chỉ còn từ 3-7 con. Vào tháng 4/2010, một bộ xương tế giác Java được phát hiện trong tình trạng bị bắn chết tại Vườn quốc gia Cát Tiên đã làm dấy lên mối lo ngại trong suốt hàng chục năm qua loài động vật này luôn bị săn bắn. Từ đó tới nay, người ta cũng luôn nói tới chuyện đó. Nhưng Việt Nam đã không còn tê giác Java.

Tôi còn nhớ lắm nét mặt buồn thiu của GS. Đặng Huy Huỳnh khi ông so sánh công tác bảo tồn tê giác Java tại Việt Nam và Indonesia. Trong khi tê giác Java tại Việt Nam đang bị săn bắn trộm dẫn đến tuyệt chủng thì  việc bảo vệ loài động vật này được Indonesia làm rất tốt. Thống kê mới đây cho thấy, tê giác Java tại Indonesia đã tăng từ 40 con vào năm 1998 lên 60 con hiện nay.


Từ khi tổ chức WWF tuyên bố loài tê giác Java tại Việt Nam đã tuyệt chủng không hiểu sao tôi lại cứ nghĩ tới loài voi. Ừ thì voi khó mà tuyệt chủng, ừ thì voi có khắp nơi trên thế giới, không hiếm hoi như tê giác, ừ thì voi nhà còn tới mấy chục con nhưng biết đâu...

Chỉ trong một thời gian ngắn, đàn voi nhà ở Đắk Lắk bị giảm sút một cách nghiêm trọng, từ 502 con năm 1980 xuống còn 166 con năm 1998 và hiện chỉ còn 56 con. Trong khi đó, Chi Cục kiểm lâm Đắk Lắk cảnh báo nếu cứ đà này, trong vòng 20-25 năm nữa, đàn voi nhà ở Đắk Lắk có nguy biến mất. Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ voi bắt voi làm việc quá sức, trong khi chế độ chăm sóc không đảm bảo, khả năng sinh sản hạn chế, lại luôn bị kẻ xấu rình rập sát hại để trộm ngà và đuôi.

Trước thực trạng trên, từ năm 2006, Thủ tướng đã có công văn chỉ đạo các cơ quan liên ngành tỉnh Đắk Lắk phải tìm ra các phương án bảo vệ voi khẩn cấp. Đến năm 2007, UBND tỉnh Đắk Lắk mới giao cho Sở Thương mại - Du lịch Đắk Lắk (cũ) lập dự án bảo tồn đàn voi nhà. Tuy nhiên, Sở này lại không có chuyên môn gì về công tác bảo vệ và phát triển đàn voi, nên đến năm 2008, UBND tỉnh Đắk Lắk lại phải bàn giao cho Chi Cục kiểm lâm làm lại từ đầu.

Mãi đến cuối năm 2009, dự án của Chi Cuc kiểm lâm mới ra đời. Theo đó, Trung tâm bảo tồn voi rộng 200ha tại Vườn Quốc gia Yoók Đôn sẽ được thành lập, xây dựng một bệnh viện dành riêng cho voi, có chính sách hỗ trợ người nuôi voi, giúp voi sinh sản…

Thế nhưng, dự án có vốn đầu tư 58 tỷ đồng để khôi phục và phát triển đàn voi này vẫn nằm đâu đó trên bàn giấy, trong khi đàn voi rừng liên tiếp bị sát hại, còn voi nhà dường như bị bỏ mặc.

Tôi không gọi cho GS  Đặng Huy Huỳnh để hỏi về việc Việt Nam đã không còn tê giác. Tôi vẫn luôn nhớ nét buồn trên khuôn mặt ông. Chỉ biết cầu mong, ai đó sẽ làm cho  "phận voi" Việt Nam tốt đẹp hơn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét