Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Tê giác đen tuyệt chủng ở Tây Phi

Tê giác đen tuyệt chủng ở Tây Phi

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) chính thức tuyên bố, tê giác đen hoang dã đã tuyệt chủng hoàn toàn ở phía tây của châu Phi.

Trong đánh giá mới nhất, IUCN còn cho biết hai phụ loài của tê giác cũng gần như tuyệt chủng trong tự nhiên. Đó là tê giác trắng ở phía Bắc Châu Phi và tê giác Java ở Châu Á.

Trước đó, IUCN đã cảnh báo, tê giác đen là một phân loại đang lâm vào tình trạng “cực kỳ nguy cấp” trong danh sách đỏ về các loài bị đe dọa. Tê giác đen lần cuối được nhìn thấy ở phía tây châu Phi vào năm 2006.
 
Tê giác đen "bị xóa sổ" ở Tây Phi do nạn săn trộm và thiếu biện pháp bảo tồn.

Theo ông Jean-Christophe Vie, Phó giám đốc chương trình bảo tồn các loài trên toàn cầu của IUCN cho biết, nhiều phụ loài tê giác có thể sớm biến mất giống như tê giác đen mà nguyên nhân chính là do nạn săn trộm và một số nơi còn thiếu các hoạt động cần thiết để bảo tồn. Gần đây, tê giác Java một sừng ở Việt Nam cũng bị tuyệt chủng do nạn săn trộm để lấy sừng.

“Mọi người chỉ giết chúng để lấy sừng. Mọi người chỉ muốn kiềm tiền từ sừng tê giác. Hành động đó cũng phá vỡ luôn các tiềm năng kinh tế từ việc dùng tê giác vào trong ngành du lịch. Vì tê giác là một loài động vật rất hấp dẫn.”, ông Jean-Christophe Vie nói.

Những chiếc sừng tê giác được bán chủ yếu sang châu Á - nơi mà theo y học cổ truyền, người ta tin sẽ có thể chữa được bệnh ung thư. Điều này đã làm cho các nước ở châu Phi đang phải đối mặt với rất nhiều kẻ săn trộm hoạt động có tổ chức. 

Ông Jean-Christophe Vie cho biết, trong năm nay, những kẻ săn trộm đã giết chết hơn 300 con tê giác.
 
Cùng với tê giác đen, tê giác trắng ở Bắc Phi cũng đang ở tình trạng cực kỳ nguy cấp.

Ông Jean-Christophe Vie còn cảnh báo, có hơn 20.000 loài khác, bao gồm cả thực vật, cá, động vật không xương sống, động vật có vú và các loài chim đang bị đe dọa tuyệt chủng. Theo đánh giá của IUCN, 25% động vật có vú, cá ngừ, 8 loài động vật lưỡng cư, các loài thực vật như linh sam, thủy tùng…đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng cao. 

Tuy nhiên, ông Jean-Christophe Vie cũng cho biết đánh giá của IUCN cũng ghi nhận một số dấu hiệu tốt đẹp trong việc bảo tồn 2 hoặc 3 loài tê giác. Hiện tê giác đen và trắng đang được bảo tồn tốt hơn ở miền nam và miền đông châu Phi.

Chính sự quan tâm khác nhau đã dẫn tới sự khác biệt trong việc bảo tồn tê giác đen ở miền Tây và các miền khác thuộc châu Phi. Các nhà bảo tồn đã kêu gọi phải có những biện pháp bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng như tê giác một cách kịp thời.

Theo ông Simon Stuart, Chủ tịch ủy ban vì sự sống còn các loài của IUCN cho biết tình hình sẽ khác đi nếu các biện pháp bảo tồn được triển khai tốt.

Ông Simon Stuart đề nghị: “Những biện pháp bảo tồn phải được tăng cường, đặc biệt là quản lý môi trường sống để cải thiện hiệu suất phục hồi, ngăn chặn các con tê giác bị rơi vào bờ vực tuyệt chủng”.

Bên cạnh những kiến thức bảo tồn, IUCN cũng đề xuất phải cần có quy định của chính phủ các nước, như thế mới tạo nên sức mạnh góp phần bảo tồn các loài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét