Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Hết voi, có còn là Đắk Lắk không?

Hết voi, có còn là Đắk Lắk không?

Sáng 30/9/2011 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam đã diễn ra buổi Tọa đàm và triển lãm hình ảnh mang tên “ Làm sao để bảo tồn loài voi ở Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng”.Chương trình nhằm kêu gọi, và tìm hướng đi cho vấn đề bảo tồn loài voi đang ngày một cạn kiệt tại Việt Nam. Dưới sự điều hành của Nhà sử học Dương Trung Quốc, buổi tọa đàm đã diễn ra trong không khí cởi mở với rất nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của những bên liên quan cũng như của các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, trong buổi tọa đàm này, ban tổ chức cũng giới thiệu cũng sách bưu ảnh: “Những người bạn lớn” (The Giant friend) ghi lại những hình ảnh, lý lịch, đặc điểm, số phận của 51 con voi nhà (trong tổng số 52 con hiện đang sống) tại tỉnh Đắk Lắk, thủ phủ của đàn voi nhà Việt Nam bên cạnh khẩu hiệu của buổi tọa đàm: “Đừng để voi chỉ là ký ức”.

Cuốn sách ảnh "Những người bạn lớn" được giới thiệu trong buổi tọa đàm.

Voi nhà “tụt dốc không phanh”

Theo bảng thống kê của Sở Nông nghiệp, phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, từ năm 1985 đến nay, số lượng voi đã giảm đên 9/10. Nếu như năm 1985 là hơn 500 con thì tính đến năm 2011, số lượng đàn voi nhà chỉ là 52 con. 52 con voi này cũng đang nằm trong tình trạng “báo động đỏ” khi luôn bị rình rập bởi bọn lâm tặc luôn tìm cách chặt đuôi, cưa ngà, nhổ trộm lông thậm chí bắt và giết để kiếm lời.

Phát biểu trong buổi tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời thì voi chỉ còn trong kí ức. Voi không chỉ là động vật hoang dã mà những ký ức về voi là một phần lịch sử dân tộc, nó đồng hành với người Việt trong sự nghiệp bảo vệ đất nước. Không ai nói Bà Trưng, Bà Triệu, Quang Trung Nguyễn Huệ cưỡi ngựa ra trận mà họ đều cưỡi voi. Nếu ý thức được điều đó thì chúng ta cần hành động…Ở nhiều nước, họ biết bảo tồn voi, còn ở ta công việc này hầu như bị bỏ mặc hoặc thực thi với quá ít hiệu quả. Cái đó cực kỳ nguy hiểm”.

Đắng cay, chủ voi cũng giết voi

Có hàng trăm cách để có giết voi hoặc tàn sát. Nhà báo Doãn Hoàng, người theo sát chương trình đã nêu ra những ví dụ rất cụ thể để báo động tình trạng săn voi ngày càng lan rộng. Có voi bị chém  217 nhát, kẻ xấu thi nhau đến ăn cướp xác voi, mà sự việc này diễn ra tại chính Buôn Đôn, có con bị dùng kích điện, búa tạ để giết trộm (tỉnh Lâm Đồng).
 
Hay đắng cay hơn, chính chủ voi đã giết đi con voi của mình, dựng hiện trường giả, lên cơ quan chức năng trình báo nói voi nhà mình bị giết hại để nhằm xin lại xác voi, bán đi lấy lời (xảy ra ở Đà Lạt). Xảy ra những vụ kiểu thích voi chết hơn voi sống vì chi phí để nuôi, chăm sóc một chú voi sống quá tốn kém, một ngày chi phí ăn uống cho voi sống bằng 1/10 trọng lượng cơ thể của chúng.
 
Anh Đàn Năng Long bên con voi Beckham ( phải) trước khi bị kẻ xấu chặt đuôi, đập vỡ hộp sọ để lấy cặp ngà. Ảnh chụp năm 2009 ( Nguồn: Tuoitre)

Anh Đàn Năng Long, người có đàn voi lớn nhất Đắk Lắk cũng chua chát kể lại những vụ thủ phạm nhẫn tâm giết chết những con voi trong đàn voi nhà anh bằng cách chặt đuôi, đập vỡ hộp sọ để lấy cặp ngà.

Ở ngay khách sạn Thành Công, nằm trên phố Lý Thường Kiệt, một con phố chính của thành phố Đắk Lắk đã trưng bày và bán không biết bao nhiêu những hiện vật được lấy từ voi. Nào là ngà voi, răng voi, ví da voi, nhẫn lông voi… Chúng ta đang kêu gọi bảo vệ, cứu lấy loài voi thì ở ngay “thủ phủ” voi lại có những tình trạng này xảy ra! Một điều thực sự đáng lên án.

Đừng để voi chỉ là ký ức

Tồn tại những vấn đề là thế, nhưng điều quan trọng là chúng ta sẽ hành động những gì để có thể bảo tồn, phát triển đàn voi Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng khi mà ở Việt Nam chưa có một cơ quan chức năng nào đứng ra làm việc này!
 
Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó giám đốc sở Nông nghiệp, Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk nêu ra một thực trạng đáng buồn về đàn voi đang ngày càng cạn kiệt tại tỉnh nhà và làm sao để nâng cao trình độ văn hóa người dân bản địa, nói không với các sản phẩm làm từ voi!
 
Bên cạnh đó, việc thành lập trung tâm bảo tồn voi, đào tạo nguồn nhân lực, con người, tạo hệ sinh thái phù hợp để phát triển việc sinh đẻ của voi nhà, hỗ trợ kinh phí nuôi voi cho chủ voi cái là điều đáng được quan tâm. Phương pháp thụ tinh nhân tạo cũng nên được áp dụng để phát triển đàn voi nhà, kiến nghị Chính phủ xem xét, can thiệp, giúp đỡ trong việc bảo tồn đàn voi.

“Rừng ở Đắk Lắk đang ngày càng cạn kiệt, Đắk Lắk hết rừng, hết cả voi thì còn gọi gì là Đắk Lắk không? Chúng ta cần một quy trình thích hợp, không chồng chéo lên nhau để bảo vệ đàn voi nhà” - Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Nhưng một điều quan trọng nhất, là yếu tố tiên quyết để giúp đỡ đàn voi chính là những hành động của chúng ta: "Đừng để voi chỉ là ký ức".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét