Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Hội bảo vệ môi trường ủng hộ thủy điện Đồng Nai 6,6A

Hội bảo vệ môi trường ủng hộ thủy điện Đồng Nai 6,6A

Nếu như không khí của buổi hội thảo liên quan đến thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A do VQG Cát Tiên, Liên hiệp các Hội KH&KT VN và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tổ chức ngày 7/8 thiên về phản ứng, chỉ ra những ảnh hưởng của dự án này đến môi trường, kinh tế… thì tại hội thảo “Các vấn đề môi trường liên quan đến dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A” do Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam (Vacne) tổ chức sáng 30/9 lại thiên về ý ủng hộ việc xây dựng với quan điểm bài toán tổng thể được và mất. 

Đáng chú ý, thành phần tham dự hội thảo sáng nay do Vacne tổ chức cũng có mặt đầy đủ các đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư, các nhà khoa học đã từng tham gia hội thảo trước… 

Bản thân ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên, đơn vị tổ chức hội thảo trước đã cho rằng, cần hài hoà bài toán kinh tế và bảo tồn. Không thể cứ ôm khư khư tài nguyên mà kinh tế không phát triển. Mặc dù, trước đó, ông cũng đưa ra các thông tin cho biết, hiện VQG Cát Tiên đã hoàn thiện hồ sơ và gửi Unesco để công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

“Song làm như thế nào là vấn đề cần cân nhắc rất kỹ để tránh phải trả giá”- ông Thành nhấn mạnh.

Làm lại báo cáo môi trường là chuyện bình thường?

Với quan điểm rất rõ ràng, phát triển là đánh đổi, TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện Vacne khẳng định, dự án có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến môi trường VQG Cát Tiên và dòng chảy sông Đồng Nai nhưng không đến mức nghiêm trọng như một bộ phận dư luận xã hội đánh giá. 

Bản thân TS Hoè cũng đã có những cuộc khảo sát thực địa tại đây trên cơ sở những câu hỏi mà dư luận đang quan tâm về thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A.

Điểm xuất phát gây tranh cãi đòi dừng thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A chính là VQG Cát Tiên.

Với dư luận cho rằng, báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 dự án đã trình lên các cơ quan có thẩm quyền còn quá sơ sài, bỏ qua nhiều vấn đề môi trường quan trọng, do vậy, nó chưa đầy đủ, chưa thuyết phục cũng như chưa lường hết các rủi ro và sai lầm tiềm ẩn, TS Hoè phản ứng khá gay gắt:

“Một bản đánh giá tác động môi trường được xem là hoàn thiện khi nó được hội đồng thông qua, đằng này, nó đã hoàn chỉnh đâu mà phê phán. Đó là chưa kể, chuyện làm đi làm lại đánh giá tác động môi trường là chuyện hết sức bình thường của những người hiểu về môi trường. Không thể đánh giá một sản phẩm khi nó còn đang làm dở dang”.

Không hiểu sao cứ chĩa mũi dùi vào thủy điện Đồng Nai?

Điểm xuất phát gây tranh cãi đòi dừng thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A chính là VQG Cát Tiên. Các nhà khoa học tại hội thảo trước lo ngại, dự án gây hại cho VQG Cát Tiên, nhất là khu đất ngập nước Bàu Sấu. Thế nhưng, tại hội thảo này, các phân tích đưa ra lại cho thấy, Dự án có thời gian tích nước nhiều lắm 1 tháng - có tác hại đến Bàu Sấu nhưng tính đàn hồi môi trường của Bàu Sấu có thể chống chịu được.


Qua nghiên cứu hồ sơ và kiểm tra hiện trường, Tổng cục Lâm nghiệp cũng khẳng định, việc xây dựng thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A không gây ảnh hưởng trực tiếp đến bảo tồn tê giác cũng như vùng sinh cảnh Bàu Sấu. 

Về lo ngại thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A gây cạn nước cho thủy điện Trị An, bản phân tích của TS Hoè chỉ ra rằng, thuỷ điện Trị An đang hoạt động có dung tích hồ chứa 1,77 tỷ m3, dung tích hoạt động 1,1 tỷ m3 gấp gần 46 lần dung tích hoạt động của 2 dự án trên. 

TS Hoè còn tỏ ra hoài nghi: không hiểu sao người ta lại chĩa mũi rìu dư luận đến thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A mà quên đi 5 bậc thuỷ điện Đồng Nai 8 mà theo ông đó mới là tác nhân gây hại cho thuỷ điện Trị An chứ không phải là thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A. 

Bên cạnh đó, hiện khu vực huyện Cát Tiên đang thiếu nước trầm trọng, nếu 2 dự án thực hiện thì việc xả nước phát điện mùa khô sẽ góp phần tích trữ nước mặt, tăng mực nước ngầm, giảm tình trạng thiếu nước về mùa khô lâu nay vẫn xảy ra trên địa bàn.

Cái được hơn cái mất?

TS Phạm Bình Quyền, Tổng thư ký Vacne cũng cho rằng, diện tích của động vật trên cạn bị thu hẹp 137/31.000ha ở Cát Lộc chỉ bằng 0,44% là không đáng kể nếu so sánh diện tích bị ngập vào mùa mưa 3500ha thì sự ảnh hưởng đến vùng hoạt động sống của động vật là không lớn và bên cạnh đó còn có VQG Cát Tiên, nơi cư trú của nhiều động vật quý hiếm.

Hội thảo đánh giá thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được nhiều hơn
 
Tựu chung lại, các ý kiến tại hội thảo lần này cho rằng, tác động đến môi trường của 2 dự án thuỷ điện này là có thật, nhưng không lớn. Nếu so sánh đánh giá giữa cái được và mất thì nên cho phép dự án được triển khai thực hiện. Những câu hỏi của báo chí xung quanh thái độ ủng hộ của nhiều nhà khoa học thuộc Vacne, TS Hoè khẳng định: cần tránh thái độ cực đoan đế đánh giá một dự án, nhất là cứ thấy đưa môi trường ra để làm lý do. Cần phải có thái độ ôn hoà, bình tĩnh đánh giá thiệt hơn và xác định nguyên tắc chung: Phát triển bền vững, hài hoà.
 
Được biết sau hội thảo này, một bản kiến nghị của Vacne về dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A cũng sẽ được gửi đến các cơ quan có liên quan như một tiếng nói chính thức của cộng đồng những nhà khoa học môi trường. Chỉ có điều, nếu như bản kiến nghị này được tham khảo trước bản kiến nghị của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam và nếu như hai tổ chức cùng Vusta cùng bàn thảo, tổ chức một hội thảo để đi đến thống nhất ý kiến trước khi đưa ra công luận thì báo chí chắc đỡ tốn giấy mực hơn nhiều!
 
Thủy điện Đồng Nai 6 có công suất lớn 241MW, tỷ lệ chiếm đất 1,545ha/MW. Sản lượng điện 929,16 triệu KWh gần bằng sản lượng điện tiêu thụ của 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước. Nhà máy sau đập phía bờ phải hồ điều tiết hàng ngày nên không gây ra sông chết phía sau hạ lưu, không ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy hạ lưu. Không ảnh hưởng tới dân cư, đất nông nghiệp, công trình công cộng nên không phải di dời, đền bù. Toàn bộ đường giao thông phục vụ thi công và vận hành được tận dụng từ đường lâm sinh và dân sinh có sẵn nên không gây chia cắt sinh cảnh hay ảnh hưởng tới VQG.

(Báo cáo của Th.S Nguyễn Văn Sỹ, phó Chủ nhiệm dự án đầu tư Công ty CP tư vấn xây dựng điện 4 - chủ đầu tư dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét