Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Cá piranha - nỗi kinh hoàng với hệ sinh thái Việt Nam!

Cá piranha - nỗi kinh hoàng với hệ sinh thái Việt Nam!

Piranha là một loài cá nước ngọt rất dữ tợn, xuất xứ từ các dòng suối ấm và hồ ở Nam Mỹ, phía đông dãy núi Andes. Nếu lọt ra ngoài môi trường, những con cá này sẽ tiêu diệt tất cả cá bản địa, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng con người. Piranha đã được du nhập tới những nơi khác, bao gồm miền Bắc Brazil, Hawaii, nhiều vùng ở Trung và Nam Mỹ. Mối nguy hiểm hiện nay là một số hộ nông dân gần sông Đồng Nai bắt đầu nuôi loại cá này lấy thịt.


Cá Piranha, có biệt danh là sói nước, sinh sản bằng cách đẻ trứng, có nhiều màu sắc từ vàng, xám, hơi xanh, hơi đỏ cho tới đen. Chúng dài từ 15 tới 60cm, có mặt giống chó bun với hàm dưới rất lớn, nhiều răng sắc như dao cạo. Răng của piranha có thể thay thế. Khi một chiếc bị gãy, chiếc mới sẽ mọc ra.

Piranha là loài ăn thịt. Chúng ăn cả động vật trên cạn lẫn dưới nước. Một số con mồi của chúng bao gồm cá, động vật thân mềm, giáp xác, côn trùng, chim, bò sát, động vật lưỡng cư, loài gặm nhấm và xác thối. Cá piranha kiếm ăn suốt ngày và có thể róc thịt con mồi trong vòng vài phút. Theo ông David Murphy, chuyên gia Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên, một đàn cá piranha có thể ""xơi tái"" một con bò trong vòng 10 phút.


Mặc dù có dáng vẻ hiền lành song piranha được xếp ở vị trí hàng đầu trong danh sách các loài thuỷ sinh nguy hiểm nhất ở vùng Amazon của Brazil. Các chuyên gia cho biết khoảng 1.200 con bò bị loài cá này giết hại và ăn thịt mỗi năm tại Brazil. Piranha lao tới con mồi và rỉa thịt rất nhanh. Thậm chí trẻ em chơi trên sông và phụ nữ giặt quần áo gần bờ cũng có thể là nạn nhân của chúng.

Theo nguồn tin từ ông Đỗ Mạnh Hàn, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên, người dân đã thả khoảng 500 con piranha xuống hồ Đăk Lô, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Một số hộ ở xã Đăk Lua, Tân Phú, Đồng Nai đang nuôi với số lượng lớn. Nếu để loài cá này thoát ra khỏi đầm nuôi, chúng sẽ tiêu diệt mọi loài thuỷ sinh, làm đảo lộn cân bằng sinh thái, ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều ngư dân. Hậu quả mà chúng gây ra có thể còn lớn hơn cả nạn ốc bươu vàng.

Yêu động vật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét