Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

CÔNG BỐ THÊM 9 LOÀI CHUỒN CHUỒN NGÔ MỚI CHO VIỆT NAM

CÔNG BỐ THÊM 9 LOÀI CHUỒN CHUỒN NGÔ MỚI CHO VIỆT NAM

Các nhà khoa học Nhật Bản vừa công bố các công trình nghiên cứu ghi nhận thêm 9 loài chuồn chuồn ngô mới cho khu hệ Việt Nam; trong đó có 3 loài mới cho khoa học (new species) và 6 loài là ghi nhận mới cho khu hệ (new records). Công trình được công bố trên tạp chí về chuồn chuồn học TOMBO, Fukui (Nhật Bản).


Tiến sỹ côn trùng học Haruki Karube ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Kanagawa, Nhật Bản cùng các đồng nghiệp đã thực hiện nhiều chuyến nghiên cứu khảo sát thu thập mẫu vật côn trùng ở Việt Nam từ nhiều năm nay, qua đó đã công bố nhiều công trình về khu hệ chuồn chuồn của khu vực này; ví dụ năm 1995 H. Karube công bố 5 loài mới của giống Chlorogomphus (Họ Chlorogomphidae) từ các tỉnh phía bắc Việt Nam; từ 1999-2006 H. Karube đã công bố tới 11 loài chuồn chuồn mới cho khoa học từ các vùng trong cả nước như Pioac (Cao Bằng), Sapa (Lào Cai), VQG Cúc Phương (Ninh Bình), VQG Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Hòn Bà (Nha Trang)…


Đầu năm 2011, H. Karube tiếp tục công bố phát hiện 3 loài chuồn chuồn ngô mới cho khoa học từ Việt Nam, đó là các loài Cephalaeschna asahinai và Planaeschna asahinai (họ Aeshnidae) từ VQG Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế); và loài Idionyx asahinai (họ Cordullidae) từ Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Tất cả các loài trên đều được đặt theo tên của nhà nghiên cứu chuồn chuồn nổi tiếng người Nhật Bản, TS. Syoziro Asahina (1913-2010) nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của ông trong lĩnh vực nghiên cứu chuồn chuồn trên thế giới. Bên cạnh đó, tác giả còn ghi nhận thêm 6 loài chuồn chuồn ngô mới cho khu hệ Việt Nam, đó là các loài Epophthalmia frontalis frontalis Selys, 1871, Macromia clio Ris, 1916, Macromia cupricincta Fraser, 1924 (họ Macromiidae); và Macromidia genialis shanensis (Fraser, 1927), Idionyx victo Hämäläinen, 1991, Idionyx carinata Fraser, 1926 (họ Corduliidae). Từ kết quả nghiên cứu này, cùng với những công bố liên tiếp trong thời gian gần đây của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về khu hệ chuồn chuồn của Việt Nam đã chứng tỏ mức độ đa dạng sinh học cao của khu vực này. Tin rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều phát hiện hơn nữa về đa dạng các loài chuồn chuồn nói riêng và các loài động thực vật nói chung ở Việt Nam.

Yêu động vật (Theo vncreatures.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét